Saturday, June 3, 2017

Bàn về vai trò của môi giới chính trị tại Hoa Thịnh Đốn trong quan hệ Mỹ- Việt
Author: Nguyễn Trọng DânSource: Dân Làm Báo Posted on: 2017-05-03
Nguyễn Trọng Dân (Danlambao) - Để có thể thuyết phục Hoa Kỳ bãi bỏ cấm vận vũ khí, cũng như hạn chế áp lực về nhân quyền, Hà Nội đã buộc lòng phải nhờ đến giới làm môi giới chính trị tại Hoa Thịnh Đốn (thường gọi là "lobbylist".) Trong vụ bãi bỏ cấm vận vũ khí do tổng thống Obama tuyên bố vào năm ngoái, giới phân tích đã khẳng định là hoàn toàn có sự giúp đỡ của nhóm nhân viên làm việc dưới quyền bà Clinton, được sự hậu thuẫn của Bà, nỗ lực vận động Tòa Bạch Ốc đi đến quyết định quan trọng này. Thời Clinton làm tổng thống và nhất là vào thời tổng thống Obama, bọn môi giới chính trị hoành hành rất mạnh ở Hoa Thịnh Đốn. Việt Cộng do đó đã có thể dễ dàng đi cổng hậu nhờ môi giới chính trị xoay chuyển hướng đối ngoại của Hoa Kỳ sao cho có lợi cho mình.
Theo Betsy Woodruff, người viết bài phân tích có tựa đề "From team Hillary to Vietnam Lobbylist,” (1) tạm dịch ý là "Vây cánh của Hillary làm môi giới cho Cộng Sản Việt Nam,” đã cho biết David Adam, người cố vấn trưởng của Bà Clinton về tư pháp, nay cũng là chánh văn phòng cho nhóm môi giới chính trị có tên là Podesta Group, đã quán xuyến toàn bộ vấn đề vận động tại Hoa Thịnh Đốn cho Việt Cộng về nhiều mặt, nhiều vấn đề, trong đó có mặt hợp tác quốc phòng. Nhóm Podesta này cũng có liên hệ sâu rộng đến các hãng tư nhân sản xuất đồ quốc phòng cho Hoa Kỳ như Boeing hay hãng Lockheed Martin chẳng hạn. Được biết trước đây, người cùng sáng lập ra nhóm môi giới chính trị Podesta này là luật sư Tony Ponesta, cũng là trưởng ban vận động tranh cử tổng thống cho ứng cử viên Bill Clinton. Cho nên có thể nói nhóm môi giới chính trị Podesta này có quan hệ mật thiết đến vây cánh và gia đình Clinton.
Công thức căn bản của những người làm môi giới chính tri ở Hoa Thịnh Đốn khi làm việc là giới thiệu những quyền lợi, các nguồn lơi lộc có được nếu giới quyền hành ở Hoa Thịnh Đốn đồng ý quan điểm mà bọn môi giới chính trị như Podesta chẳng hạn được thuê mướn làm đại diện. Cũng theo tác giả Woodruff, Việt Cộng đã phải trả khoảng 30 ngàn đô la mỗi tháng cho nhóm môi giới chính trị Podesta ngay từ tháng 12 năm 2013 cho đến tháng 12 năm 2015 - nâng tổng cộng số tiền cước phí trả cho bọn môi giới chính trị ở Hoa Thịnh Đốn lên đến trên một triệu đô. Và đây chỉ là tiền cước phí để cho môi giới làm việc mà thôi.
Nếu môi giới thành công như trong trường hợp này là bãi bỏ cấm vận vũ khí và giảm bớt áp lực nhân quyền đối với Việt Cộng, phần trăm huê hồng ngầm cho bọn môi giới Podesta là bao nhiêu thì chưa biết. Đó là chưa kể nếu giới chính trị gia ở Hoa Thịnh Đốn đồng ý lời đề nghị của bọn môi giới Podesta mà đi đến những quyết định đối ngoại có lợi cho Việt Cộng như bải bỏ cấm vận vũ khí bất chấp nhân quyền, thì những vị chính trị gia đó cũng được huê hồng hay những phần lợi lộc lớn khác rất khó đoán. Những vị chính trị gia được khoản lợi lộc lớn khi quyết định bỏ cấm vận vũ khí đối với Việt Cộng không chỉ có thượng nghĩ sĩ, gia đình Clinton, nhân viên Tòa Bạch Ốc mà thậm chí, còn có cả gia đình tổng thống Obama. Dĩ nhiên, giới chính trị gia ở Hoa Thịnh Đốn rất khôn ngoan và hiểu rõ luật lệ, sẽ nhận thù lao của Hà Nội trong âm thầm với nhiều hình thức hợp pháp. Một điều rõ ràng là chẳng ai ở Hoa Thịnh Đốn đưa ra quyết định có lợi cho Việt Cộng một cách không công cả, nhất là khi những quyết định này hoàn toàn trái với đạo lý mà chính Hoa Kỳ chủ trương, đó là tư do dân chủ; cũng như đi ngược lại quyết tâm chống Cộng Sản của quốc gia này. Tượng đài tưởng niệm các nạn nhân của Cộng sản dù gì cũng được dựng lên ở Hoa Thịnh Đốn thay vì ở Hà Nội, nơi xuất phát mệnh lệnh Đấu Tố bởi bè lũ Cộng Sản Hồ Chí Minh đã làm hai trăm ngàn người dân vô tội bị thiệt mạng vào thập niên 1950.
Cũng theo tường trình của Woodruff, đạo luật về Nhân Quyền cho Việt Nam của Dân biểu Chris Smith đã bị nhóm môi giới Podesta vận động cản trở tại Quốc Hội Hoa Kỳ trong suốt năm kỳ đệ trình liên tiếp tính từ năm 2004 đến 2015. John McCain, một Thượng Nghị si lão thành đầy quyền uy và nhiều ảnh hưởng chính trị trong chính trường ở Hoa Thịnh Đốn, từng là ứng cử viên tổng thống của đảng Cộng Hòa, đã được Podesta vận động chống lại đạo luật này. Thượng Nghị sĩ McCain vẫn cho rằng thúc đẩy quan hệ Việt Mỹ sâu rộng vẫn có lợi cho người dân Việt Nam hơn là thông qua đạo luật về nhân quyền để dồn Cộng Sản Hà Nội vào chân tường. Thật là hết sức ngụy biện! Không biết ngày nay, khi hay tin "người công dân Việt Nam Cộng Hòa khuất" Nguyễn Hữu Tấn bị cắt cổ hy sinh vì cờ Vàng trong đồn Công An của Việt Cộng, hay Nguyễn Mai Anh Tuấn, phải vào tù dù mới 15 tuổi do phản đối bạo quyền, Thượng Nghị sĩ John McCian có bắt đầu cảm thấy lập luận của mình đưa ra sai lầm lắm không khi chống lại đạo luật “Nhân Quyền cho Việt Nam” của Dân biểu Smith. Sinh mạng của người dân lành tại Việt Nam hiện nay bị Việt Cộng xuất khẩu, cắt chém, bỏ tù không xét xử, vân vân, như những con gà ngoài chợ cũng là nhờ những người có triết lý giống John McCain sau khi đã được bọn môi giới lobby.
Tình trạng hoành hành của các nhóm môi giới chính trị như Podesta tại Hoa Thịnh Đốn càng lúc càng lúc mạnh, nhất là vào những năm cuối của triều Obama. Thanh thế của bà Clinton càng lên bao nhiêu, thì nhóm môi giới Podesta càng vùng vẫy mạnh bấy nhiêu. Không những nhóm này lãnh hợp đồng vận động cho Cộng sản Việt Nam mà có luôn cả các hợp đồng vận đồng cho chính phủ Kenya, Ai Cập, cho ngân hàng lớn nhất của Nga là Sberbank of Russia; riêng chính phủ Azerbaijan đã phải trả gần 60 ngàn đô la mỗi tháng tiền môi giới phi để nhóm này vận động chính trường ở Hoa Thịnh Đốn có lập trường thân thiện với Azerbaijan, vì quốc gia này cần bán dầu hỏa để có thu nhập và cần hậu thuẫn của Hoa Thịnh Đốn để giảm bớt sức ép cô lập đất nước này từ Nga. Đương nhiên, Việt Nam mà còn biết nhờ đám môi giới chính trị như Podesta để khiến lập trường đối ngoại của Mỹ có lợi cho chế độ độc tài đảng trị của mình thì huống hồ gì là Trung Cộng, một quốc gia bị dư luận của Hoa Kỳ chỉ trích là thường xuyên tìm cách tráo trở hạ giá tiền tệ để tăng thặng dư mậu dịch đối về cho mình, gần trên 300 tỷ Mỹ kim mỗi năm.
Cả hai quốc gia Cộng Sản này bao năm qua được hậu đãi từ kinh tế đến đối ngoại bởi Hoa Kỳ cũng nhờ vào bọn môi giới chính trị giống như Podesta ở Hoa Thịnh Đốn làm xoay chuyển chính sách của chính phủ Hoa Kỳ. Chỉ tính năm 2010 không thôi, chỉ mỗi công ty Huawei Tech của Trung Cộng đã nướng gần 350 ngàn đô kinh phí cho môi giới ở Hoa Thịnh Đốn, còn các quyền lợi ngầm sau đó cho giới chính trị gia là bao nhiêu thì chưa biết (2). Công ty Trung Cộng này bị nghi ngờ là có dính líu đến các hoạt động quân báo cho Trung Cộng, khoảng tiền lớn lao dành cho bọn môi giới chính trị tại Hoa Thịnh Đốn đi vận động để đảm bảo công ty này thoát khỏi điều tra của Liên Bang và vẫn có thể cung cấp thiết bị cho hãng viễn thông Sprint Nextel kiếm lời. Vậy thì nếu tính hàng loạt các đại công ty quốc doanh khác của Bắc Kinh cũng bỏ tiền ra cho bọn môi giới chính trị vận động hậu trường chính giới ở Hoa Thịnh Đốn như Huawei Tech thì tổng số tiền cước phí cho bọn môi giới chính trị ở Hoa Thịnh Đốn sẽ nhiều như thế nào. Chẳng trách gì tình trạng thâm hụt mậu dịch của Hoa Kỳ đối với Trung Cộng, mỗi năm lên đến cả trên 300 tỷ Mỹ kim, cứ mãi còn hoài không ngăn nổi! Chính phủ Hoa Kỳ cứ tiếp tục mở cửa ưu đãi hàng hóa của Trung Cộng, cũng như tiếp tục làm ngơ những kiểu cách hạ giá tiền tệ láu cá của Bắc Kinh vì bị bọn môi giới chính trị kiểu giống như Podesta làm Hoa Kỳ lung lay ý chí trừng phạt kinh tế Trung Cộng trong suốt bao năm qua, kể cả dưới triều Obama.
Ước tính, mỗi năm có đến trên ba tỷ Mỹ kim bỏ ra làm cước phí cho bọn môi giới chính trị ở Hoa Thịnh Đốn đi vận động. Sau đây là bản thống kê tổng số tốn kém cho bọn môi giới chính trị ở Hoa Thịnh Đốn mỗi năm (3)
Mặc dù tổng thống Obama hứa hẹn sẽ cải cách chính giới ở Hoa Thịnh Đốn triệt để, để chính phủ Liên Bang không hành động theo lợi ích của các nhóm môi giới chính trị như Podesta nữa- "Yes, we can", khẩu hiệu mà ông đưa ra làm nức nỡ lòng dân Mỹ, nhưng trên thực tế, bảng thống kê trên cho thấy mức chi tiêu cho bọn môi giới chính trị tại Hoa Thịnh Đốn không hề giảm trong suốt tám năm ông đảm nhiệm chức tổng thống; và qua vụ việc bãi bỏ cấm vận vũ khí cho Việt Cộng nhờ vào hậu thuẫn từ vây cánh của gia đình Clinton, thông qua nhóm môi giới chính trị Podesta gắn chặt với uy quyền của gia đình Clinton vận động, ai ai cũng thấy ngay hứa hẹn của Obama về việc cải cách chính giới ở Hoa Thịnh Đốn đã không hề được thực hiện. Đây chỉ là lời hứa mị dân và đã khiến cho người dân Mỹ thêm thất vọng, không những thất vọng ở nơi ông mà cả ở đảng Dân Chủ của ông, một chính đảng được coi là tràn ngập hối lộ và tham nhũng trong suốt tám năm qua. Do đó, đảng Cộng Hòa đã thắng cử từ Hạ Viện, Thượng Viện lẫn Tòa Bạch Ốc trong kỳ tổng tuyển cử năm ngoái. Toàn bộ vây cánh tham nhũng và thân Trung Cộng lẫn Việt Cộng của Clinton bị mất phiếu bật ra khỏi Hoa Thịnh Đốn hoàn toàn.
Xin được lưu ý thêm bảng thống kê chi tiêu cho môi giới chính trị để ảnh hưởng lên chính sách đối ngoại của chính phủ Obama dưới đây cho thấy ba năm cuối của nhiệm kỳ Obama 2014-2016, chi tiêu tăng vọt đều đặn lên trên sáu triệu đô mỗi năm (4). Như vậy, trong ba năm 2014 đến 2016, tổng số chi tiêu cho bọn môi giới chính trị ở Hoa Thịnh Đốn để ảnh hưởng lên chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ không thôi tăng vọt lên trên 20 triệu đô, được coi là rất cao so với nhiệm kỳ cuối của nhiều tổng thống khác.
Đó cũng là lý do tại sao, để cảm ơn cử tri bầu mình thắng cử, và để tỏ rõ cương quyết của mình thực hiện lời hứa trước cử tri, không hứa suông mị dân như cựu tổng thống Obama, chỉ mới có tám ngày nhậm chức tổng thống, tức là vào ngày 28 tháng Giêng năm nay, tổng thống Trump đã cương quyết ký một sắc lệnh gây bất ngờ mọi người có tên là:" ETHICS COMMITMENTS BY EXECUTIVE BRANCH APPOINTEES" tạm dịch ý là: “Quy định về giá trị đạo đức của công chức" nhằm cấm đoán hầu hết các hoạt động môi giới chính trị giúp ích cho các chính phủ ngoại quốc bên ngoài nước Mỹ. Chi tiết sắc lệnh này không phải là chủ đề của bài viết nhưng hành động cương quyết này của tổng thống Trump cũng cho thấy người dân Mỹ đã quá bực tức trước sự dung dưỡng bọn môi giới chinh trị ở Hoa Thịnh Đốn dưới triều Obama. Tòa Bạch Ốc cần phải có thái độ và hành động cụ thể.
Sau khi ông Trump thắng cử, hãng truyền thông Bloomberg loan tin là nhóm môi giới chính trị Podesta mất hàng loạt các hợp đồng béo bở vì ai cũng biết rõ, vây cánh của bà Clinton và ông Obama đã không còn quyền lực bao trùm Hoa Thịnh Đốn như trước nữa (5). Cụ thể là đại công ty Alphabet Inc., chủ quản công ty Google lừng danh đã rời bỏ khỏi Podesta. Ước tính có khoảng bảy đại thân chủ sẽ rời bỏ nhóm môi giới chính trị Podesta, nâng tổng số thiệt hại lên đến trên 400 ngàn đô la trong vài tháng gần đây cho nhóm này. Cũng theo Bloomberg, hãng Google đã phải trả gần 80 ngàn đô cho Podesta chỉ trong ba tháng cuối năm 2016 để mong có hậu thuẩn chính trị mai này từ vây cánh gia đình bà Clinton nếu bà thắng cử, vì chỉ số bầu cử từ giới truyền thông Mỹ hô hoán rầm rộ là bà Clinton sẽ thắng cử tuyệt đối. Cử tri Mỹ đã có câu trả lời ngược lại với giới truyền thông Mỹ, những hãng truyền thông đã một thời bịp bợm đẩy nước Mỹ sai lầm phản bội lại Việt Nam Cộng Hòa. Lề lối bịp bợm của truyền thông Mỹ đưa tin theo kiểu chiến tranh Việt Nam ồ ạt thiên vị, công kích chỉ một phía ngày nay đã không còn lừa được cử tri Mỹ nữa.
Điều đáng ngạc nhiên là dù Hoa Kỳ là đồng minh chiến lược với Do Thái bấy lâu, luôn sẵn sàng ưu đãi quốc gia này mọi thứ, ở mọi thời điểm, thế nhưng, tiền cung ứng cho bọn môi giới chính trị ở Hoa Thịnh Đốn để nước Mỹ đưa ra lập trường đối ngoại có lợi cho Do Thái chỉ thấy tăng chứ không hề giảm (6):
Như vậy, theo bảng thống kê trên, trong tám năm dưới triều Obama, tiền chi tiêu để bọn môi giới chính trị ở Hoa Thịnh Đốn vận động có lợi cho Do Thái tăng vọt kinh khiếp so với những năm trước đó, từ ba đến bốn triệu Mỹ kim thay vì khoảng một triệu cho những năm trước đó. Người Do Thái chẳng làm điều gì phí tiền cả. Nay họ tung tiền như vậy để vận động một nước Mỹ có lập trường có lợi cho họ, dù đã biết rằng nước Mỹ lúc nào cũng luôn đứng cạnh đất nước họ trong vấn đề an nguy quốc gia ở mọi tình huống, thì cũng cho thấy vai trò vận động hậu trường chính trị của bọn môi giới chính trị ở Hoa Thịnh Đốn rất quan trọng, không thể bỏ qua.
Hoạt động môi giới chính trị tại Hoa Thịnh Đốn là hợp pháp và bọn môi giới chính trị ở Hoa Thịnh Đốn rất khôn khéo dày dạn kinh nghiệm, rành rẽ mọi ngõ ngách cũng như quen biết chặt chẽ các nhân vật quyền uy ở Hoa Thịnh Đốn. Cho nên nếu Việt Cộng quyết tâm rộng rãi chi tiền để bọn này vận động cổng hậu để đưa ra lập lập trường chính sách đối ngoại có lợi cho mình thì chắc chắn, Podesta không cán đáng nổi hợp đồng này thì sẽ có nhóm môi giới chính trị khác tài ba hơn, may mắn hơn cán đáng. Thành công của bọn môi giới chính trị tại Hoa Thịnh Đốn khi vận động cho Việt Cộng lại đẩy người dân Việt Nam vào chổ khó khăn hơn khi tranh đấu lật đổ cường quyền Cộng Sản. Vụ Podesta này là một thí dụ.
Nếu là như vậy thì ngoại trừ có những tinh huống lịch sử đặc biệt khiến Hoa Kỳ không thể nào dung dưỡng chế độ Cộng Sản ở Hà Nội được nữa, trong điều kiện bình thường, thì cuộc đấu tranh dành lại chính thể Việt Nam Cộng Hòa dân quyền dân chủ của người dân trong nước lệ thuộc hoàn toàn vào khả năng của hàng triệu công dân Việt Nam Cộng Hòa tại Mỹ sử dụng bọn môi giới chính trị ở Hoa Thịnh Đốn một cách khôn khéo, hiệu quả để chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ không thể nào đi đến quyết định tạo cho Cộng Sản Hà Nội có quá nhiều thuận lợi từ thông tin, kinh tế, đến quốc phòng, thoái mái cắt cổ hay giam cầm người dân đấu tranh như hiện nay được nữa. Thậm chí, nếu có thể sử dụng bọn môi giới chính trị vận động để nước Mỹ đẩy Cộng Sản Hà Nội vào chân tường thì càng tốt. Cầm cờ Vàng biểu tình trước Tòa Bạch Ốc thể hiện chính nghĩa là một hướng rất cần và phải luôn làm, nhưng không thể là tất cả. Hướng kế là phải tung tiền dùng bọn môi giới chính trị ở Hoa Thịnh Đốn để chống lại tối đa nỗ lực vận động cổng hậu của Việt Cộng thông qua bọn môi giới do Việt Cộng thuê mướn.
Không tung tiền tối đa để lobby ở hậu trường chống lại nỗ lực lobby ở hậu trường của Việt Cộng tại Hoa Thịnh Đốn thì cũng giống như là đánh trận hở be sườn để tăng quân Việt Cộng xâm nhập vào không phản kích. Do đó, thay vì các hội đoàn bên Mỹ quyên góp tiền bạc vạn về quê nhà làm từ thiện có lợi cho Việt Cộng, hãy tung tối đa tài lực có thể có để lobby chính trường nước Mỹ như người Do Thái đã làm, đang làm và vẫn còn làm, mang đến một đường lối chính sách đối ngoại từ chính phủ Mỹ thuận lợi hơn cho sự đấu tranh của dân tộc tại quê nhà.
Nguyễn Trọng Dân
danlambaovn.blogspot.com

________________________________________
Ghi chú:

No comments:

Post a Comment