THỜI SỰ NGÀY MAI
1/ truyền thông chống Trump; và 2/ sự thắng thế của Hoa Kỳ... Đặc biệt là sự gian trá của truyền thông Mỹ trong cuộc chiến Việt Nam.
THỜI SỰ NGÀY MAI
Kim Nhung Show trên SBTN, phát hình tối Thứ Ba 27, xin xả băng ghi lời ở đây cho những người ở xa không xem được. Chương trình này có hai phần:
1/ truyền thông chống Trump; và
2/ sự thắng thế của Hoa Kỳ... Đặc biệt là sự gian trá của truyền thông Mỹ trong cuộc chiến Việt Nam.
KN: Kim Nhung xin kính chào quý khán thính giả của tiết mục Thời Sự Ngày Mai trong Kim Nhung Show trên hệ thống truyền hình SBTN với chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa. Tiết mục có mục tiêu trình bày các chủ đề nằm bên dưới thời sự trước mắt hầu chúng ta cùng hiểu được những gì có thể xảy ra ngày mai. Kim Nhung xin kính chào ông Nghĩa và xin đi vào chủ đề kỳ này.
KN 1: Mở đầu vào chương trình tuần này, Kim Nhung xin được hỏi ông Nghĩa về chuyện trước mắt là vì sao xã hội Hoa Kỳ lại có vẻ bị khủng hoảng khi đảng Dân Chủ chưa định hình ra bản chất và mục tiêu mà truyền thông báo chí lại toàn thời tấn công Chính quyền và cá nhân Tổng thống Donald Trump như một kẻ thù cần tiêu diệt vậy?
NXN 1: - Quý khán thính giả đều biết tiết mục này không là bình luận thời sự mà chỉ tìm hiểu về những gì có thể xảy ra ngày mai, nhưng câu hỏi của cô Kim Nhung đáng cho ta suy ngẫm. Trước hết, vì kinh tế cũng là chính trị mà chính trị cũng là kinh tế ta cần nhìn vào thực tế phũ phàng của xã hội dân chủ nhất là Hoa Kỳ.
- Thay đổi khoa học kỹ thuật và toàn cầu hóa không chừa báo chí. Cụ thể là từ năm 1990 tới năm tranh cử 2016, hệ thống báo chí Mỹ sa thải 59,5% nhân lực trong 26 năm. Hiện tượng toàn cầu hóa không chỉ làm thợ thuyền mất việc mà cũng làm nhà báo điêu đứng nếu không đổi tay nghề qua phương thức điện tử, Online. Phương thức đó đòi hỏi tin tức dồn dập, cực nóng vào giờ cao điểm và hấp dẫn làm đông người xem nên hút thêm quảng cáo!
- Thứ hai, truyền thông hay kỹ nghệ giải trí cũng chỉ là kinh doanh kiếm lời: Jeff Bezos của hệ thống Amazon đã mua tờ Washington Post với giá 250 triệu như một ngả đầu tư. Cũng vì tờ WAPO lỗ lã nên rơi vào tay Bezos từ năm 2013, và từ nay phải là tờ báo có lời nhờ quảng cáo qua số bán. Microsoft có kết hợp với truyền hình NBC để lập ra MSNBC cũng vì nhu cầu đó. Tỷ phú Brian L. Roberts của Comcast và hệ thống NBC cũng vậy. Truyền hình ABC là một vệ tinh của đại tổ hợp giải trí The Dysney Company vì mục tiêu doanh lợi.
- Thứ ba, loại doanh gia ấy biết đếm. Họ thấy bà Hillary Clinton bên Dân Chủ hơn ông Trump bên Cộng Hòa gần ba triệu phiếu mà nhiều thành phần bỏ phiếu Dân Chủ là giới có học, có tiền và có văn hóa phóng túng trong khi cử tri của ông Trump là dân nghèo hay trung lưu thấp trong các tiểu bang lạc hậu hơn ở giữa. Vì vậy, với kỹ nghệ truyền thông và giải trí, đối tượng cần phục vụ là quần chúng bên Dân Chủ. Họ phục vụ bằng cách bươi móc, tiết lộ và loan tin giật gân về ông Trump nên tạo ra không khí nội chiến trong nước Mỹ. Tôi có theo dõi và rất nản vì loại truyền thông và giải trí ấy quá nhàm với cùng luận điệu mà thiếu thông tin đầy đủ và trung thực trong nhiều lãnh vực khác. Chiến lược kinh doanh ấy đang gieo họa cho nước Mỹ và gây phản tác dụng cho đảng Dân Chủ.
- Nhân đây ta cũng có thể nói về một chuyện cũ của truyền thông liên quan đến Việt Nam.
KN 2: Chắc là quý KTG đã thấy ông Nghĩa không chỉ có trí nhớ mà còn nhìn ra mối liên hệ giữa các vấn đề tưởng như khác biệt để giải thích ra nhiều chuyện lạ! Thưa ông Nghĩa, chuyện cũ của truyền thông Mỹ liên quan đến Việt Nam là gì?
NXN 2: - Chúng ta đều biết trong cuộc chiến Việt Nam, vụ Việt cộng Tổng tấn công Mậu Thân 1968 nhân dịp hưu chiến ngày Tết là bước ngoặt khiến một chiến thắng quân sự và chính trị tại Việt Nam lại gây thất vọng tại hậu phương Hoa Kỳ làm Chính quyền Tổng thống Lyndon Johnson tuyệt vọng. Sử Mỹ viết rằng nhà báo Walter Cronkite (1916 - 2009), được gọi là “tiếng nói đáng tin nhất”, có góp phần cho sự xoay chuyển tâm lý đó sau khi bay qua quan sát tình hình tại Huế. Sự thật lại không như vậy.
- Conkrite không vào Huế giữa cơn giao tranh và chưa biết gì về vụ tàn sát thảm khốc tại Huế mà chỉ tới phi trường Phú Bài gặp Tư lệnh phó Lực lượng Hoa Kỳ tại Việt Nam là Tướng Creighton Abrams và nói tới lời phát biểu của viên đại tướng này, rằng “chúng ta không thể thắng trong trận chiến đốn mạt này nên phải nghĩ tới việc rút lui trong danh dự”. Lịch sử viết rằng việc đó khiến Johnson mất tinh thần. Sự thật nó còn đốn mạt hơn vậy.
- Tôi quen một sĩ quan Thủy quân Lục chiến Hoa Kỳ là Richard Botkin, nay là cấp điều hành tổ hợp đầu tư Morgan Stanley. Ông Botkin là tác giả rồi nhà sản xuất phim "Ride the Thunder" mà tôi phỏng vấn cuối năm 2013 để giới thiệu trên tờ Xuân Việt Báo năm 2004. Cuốn phim đó có sự tham dự của nghệ sĩ Kiều Chinh trong phần sản xuất và nói về chiến công rực rỡ của Thủy quân Lục chiến Việt Nam và Hoa Kỳ trong Mùa Hè Đỏ Lửa tại Quảng Trị năm 1972, với vai trò của Trung tá Lê Bá Bình mà ông Botkin đã gặp.
KN 3: Kim Nhung đã quen với cách nhìn bất ngờ của ông Nghĩa mà vẫn giật mình khi ông nói sự thật nó còn đốn mạt hơn vậy về những phát biểu của nhà báo kỳ cựu Walter Conkrite như người làm tâm lý dân Mỹ xoay chiều. Xin ông Nghĩa trình bày thêm cho khán thính giả của chúng ta cùng rõ về sự thật này.
NXN 3: - Tuần qua, ông Botkin vừa tìm ra một sự thật khác. Tới Việt Nam giữa vụ Mậu Thân, ngày 14 Tháng Hai năm 1968 - vụ đó khởi sự ngày 31 Tháng Giêng - Walter Conkrite đã tìm hiểu và tường thuật từ khách sạn Caravelle tại Saigon về cho truyền hình Mỹ sáu nhận định then chốt sau đây về tình hình tại chỗ:
1/ quan trọng và đơn giản nhất, Việt Cộng đại bại về quân sự;
2/ chiến dịch là một vụ tự sát;
3/ nếu họ muốn cố thủ trong các thành phố làm khởi điểm thương thuyết thì họ đã thất bại;
4/ Quân lực VNCH chiến đấu anh dũng hơn dự đoán của mọi người;
5/ mà không hề có lính miền Nam đào ngũ như cộng sản tuyên truyền;
6/ và dân chúng không nổi lên ủng hộ quân cộng sản như cộng sản đã tưởng hay trông đợi.
2/ chiến dịch là một vụ tự sát;
3/ nếu họ muốn cố thủ trong các thành phố làm khởi điểm thương thuyết thì họ đã thất bại;
4/ Quân lực VNCH chiến đấu anh dũng hơn dự đoán của mọi người;
5/ mà không hề có lính miền Nam đào ngũ như cộng sản tuyên truyền;
6/ và dân chúng không nổi lên ủng hộ quân cộng sản như cộng sản đã tưởng hay trông đợi.
Điều ly kỳ nhất mà ông Botkin vừa tìm ra là đoạn phim đó lại không được CBS trình chiếu! Những ai tại Mỹ đã quyết định gạt bỏ sự thật ấy, vì lý do gì? Cho nên ngày nay, ta có còn ngạc nhiên về truyền thống gian trá của truyền thông Mỹ hay chăng?
KN: Kim Nhung và nhiều người có được xem cuốn phim Ride the Thunder của ông Richard Botkin mà không ngờ ông ta tiếp tục khai quật lại lịch sử để làm rõ sự thật về cuộc chiến Việt Nam dù ông chỉ nhập ngũ từ năm 1985, 10 năm sau khi cuộc chiến đã ngã ngũ. Khi nhớ lại lịch sử thật thì chúng ta sẽ chẳng ngạc nhiên về những gì đang xảy ra trước mắt qua cách tường thuật của truyền thông Hoa Kỳ. Sau phần thông tin thương mại, Kim Nhung xin trở lại đề tài kỳ này của Thời Sự Ngày Mai… Xin quý vị đừng rời máy.
Thông tin Thương mại
KN: Kim Nhung xin cám ơn kinh tế gia Nguyễn-Xuân Nghĩa vẫn tiếp tục tìm hiểu và phơi bày mặt trái của sản phẩm truyền thông mà khán giả cứ tiếp nhận như là sự thật. Chúng ta mong rằng phát giác mới đây của ông Richard Botkin sẽ trả lại sự thật về cuộc chiến cho các thế hệ về sau hết bị lầm lạc nữa. Và các thế hệ về sau của chúng ta cũng tìm kiếm thêm để không ai quên việc Việt Cộng đã tàn sát thường dân tại Huế trong trận Mậu Thân 1968. Người Mỹ có thể quên chuyện ấy chứ công lý và đạo đức vẫn đòi hỏi là chính người Việt phải biết và nói ra…
KN 4: Trở lại Thời Sự Ngày Mai, thưa ông Nghĩa, ông thấy chúng ta nên chú ý tới những biến cố gì khả dĩ sẽ trở thành thời sự sau này?
NXN 4: - Dư luận nông cạn và truyền thông vô lại của Mỹ không nhắc tới chứ tôi thấy có hai biến động thật sự sẽ có ảnh hưởng lâu dài. Thứ nhất là nội chiến trong thế giới Hồi giáo đang ngã ngũ, nên nạn khủng bố Hồi giáo sẽ giết dân Hồi giáo nhiều hơn mà không thể phát triển ra ngoài. Thứ hai là trào lưu khủng bố đó lại giúp các nước Đông Nam Á sát cánh với nhau và gây bất lợi cho Bắc Kinh mà tạo lợi thế cho Hoa Kỳ!
KN 5: Xưa nay, Kim Nhung vẫn thấy ông Nghĩa có khuynh hướng bi quan và thường tiên báo chuyện xấu để chúng ta tự chuẩn bị mà khỏi bị bất ngờ. Hình như là lần này Kim Nhung lại bị bất ngờ về tinh thần lạc quan của chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa! Xin đề nghị ông giải thích cho chuyện đó trong Thời Sự Ngày Mai.
NXN 5: - Nước Mỹ quá trẻ và truyền thông quá nông cạn nên làm dân Mỹ tưởng thế giới Hồi giáo là một khối thống nhất. Sự thật là Hồi giáo có hai hệ phái chính là Sunni và Shia, đa số là Sunni, chưa kể nhiều nhánh nhỏ khác mà coi nhau như kẻ thù. Thứ hai, đạo Hồi phát triển qua nhiều quốc gia và bao gồm nhiều sắc tộc, tại Trung Đông thì có người Á Rập, Ba Tư, Thổ và Kurd. Tới Đông Nam Á thì còn các sắc tộc khác. Khi trào lưu khủng bố Hồi giáo lan rộng hơn 20 năm trước với cao điểm là vụ 911 tại Hoa Kỳ vào năm 2001 thì đấy là thành tích của Osama bin Laden, dân Á Rập thuộc nhánh cực đoan nhất trong hệ phái Sunni và lãnh đạo lực lượng Al-Qaeda.
- Nhưng từ Al-Qaeda, một lực lượng cực đoan hơn đã xuất hiện là Daesh hay Nhà nước Hồi giáo ISIS, với tham vọng tái lập một Đế chế Hồi giáo và còn tấn công Al-Qaeda. Họ là dân Á Rập thuộc hệ phái Sunni, có cơ sở tại Syria và một phần của Iraq. Lực lượng này đang có vẻ bành trướng tới Trung Á qua Đông Nam Á. Nhưng đấy là một trận nội chiến trong thế giới Hồi giáo vì thứ nhất Đế chế Hồi giáo ấy đang co cụm, không thể giữ được đất Mosul tại Iraq và thủ phủ là Raqqa tại Syria thì bị tấn công từ hai ba phía: từ chế độ Bashar al-Assad do Nga và Iran yểm trợ, từ Lực Lượng Dân Chủ Syria gồm dân Kurd và Á Rập do Hoa Kỳ yểm trợ và từ xứ Iran của người Ba Tư theo hệ phái Shia. Cho nên, sự hình thành của Đế chế Hồi giáo trên một lãnh thổ thống nhất chỉ là chuyện hão huyền!
KN 6: Đã vậy thì ngay trong khối Á Rập Hồi giáo cũng có rạn nứt khi Vương quốc Qatar vừa bị năm sáu nước Á Rập khác cô lập và phong tỏa. Thưa ông có phải như vậy không?
NXN 6: - Sự thật còn tệ hơn vậy vì ngoài mâu thuẫn và xung đột giữa hai hệ phái Sunni và Shia thì trong hệ phái Sunni cũng có tranh chấp vì quyền lợi quốc gia và vì mối quan hệ với xứ Iran theo hệ phái Shia và xứ Syria theo hệ phái Allawites gần với hệ phái Shia. Nhìn trên toàn cảnh thì ta thấy Đế chế Hồi giáo Daesh hay ISIS bị chặn thì Iran theo hệ phái Shia đang bành trướng với sự yểm trợ của Liên bang Nga để ra tới Địa Trung Hải, là điều chưa hề có từ 23 thế kỷ. Nhưng Hoa Kỳ với Chính quyền Trump và các nước Á Rập Hồi giáo ôn hòa lại không dung túng chuyện đó nên sẽ khoanh vùng cho các hệ phái này tiêu diệt lẫn nhau!
KN 7: Khi ấy, chúng ta nhìn qua Đông Nam Á là phần thứ nhì của đề tài kỳ này khi ông Nghĩa cho rằng trào lưu khủng bố Hồi giáo lại giúp các nước Đông Nam Á sát cánh với nhau và gây bất lợi cho Bắc Kinh mà tạo lợi thế cho Hoa Kỳ! Thưa ông Nghĩa, Thời Sự Ngày Mai sẽ là gì ở nơi đó?
NXN 7: - Truyền thông Mỹ chỉ nhắm vào việc mạt sát ông Trump cho hả mà ít nói gì đến sự kiện tuần qua ba nước Đông Nam Á là Mã Lai Á, Nam Dương và Phi Luật Tân, là Malaysia, Indonesia và Philippines đã san bằng nhiều xung khắc để cùng tảo thanh hai khu vực nhạy cảm là biển Sulu và biển Celebes nhằm tiêu diệt mầm mống khủng bố của lực lượng Nhà nước Hồi giáo ISIS ở nơi đó. Thứ hai, chiến dịch truy lùng tiến hành khi Hoa Kỳ lặng lẽ giúp Phi Luật Tân vây bủa và tấn công thị trấn Marawi của quân khủng bố trên đảo Mindanao tại miền Nam của Phi Luật Tân. Thứ ba, nhìn ra ngoài thì khi có bài toán an ninh trong khu vực, các nước Đông Nam Á, từ Singapore tới Mã Lai hay Thái Lan, Phi, Nam Dương, và cả Việt Nam lại trông cậy vào Hoa Kỳ, hoặc Nhật hay Úc, chứ không ai nhờ tới Bắc Kinh!
- Tức là câu lạc bộ kinh tế của 10 nước trong Hiệp hội ASEAN có thể nói chuyện làm ăn với nhau hay với Trung Cộng, chứ khi an ninh bị đe dọa thì họ vẫn cần Hoa Kỳ, siêu cường duy nhất có thể bảo vệ dòng hải lưu và các eo biển sinh tử cho cả khu vực. Khác với Chính quyền Obama, Chính quyền Trump nói và làm cho thế lực của Mỹ trong khu vực trọng yếu này tại Đông Á. Vì vậy, cùng với chiến lược mới của Hoa Kỳ tại Trung Đông và Afghanistan, ta không nên quên cục diện Đông Nam Á và mâu thuẫn vừa qua giữa Bắc Kinh với Hà Nội khi Tướng Phạm Trường Long của Quân ủy Trung ương Bắc Kinh giận dữ bỏ về sớm! Có chuyện gì rất lạ đang xảy ra trong khu vực này mà truyền thông thổ tả của Hoa Kỳ lại ít nhắc tới!
KN: Thưa quý vị, khi ông Nghĩa vạch ra bối cảnh rộng lớn ấy có lẽ ta hiểu ra chiến lược Hoa Kỳ tại Syria, Iraq hay Afghanistan qua tới Đông Nam Á trong khi dư luận chỉ tập trung chú ý vào chuyện ông Trump. Hình như ông Nghĩa đang trình bày những yếu tố then chốt của cả thế giới để ta khỏi bị bất ngờ. Kim Nhung xin kính chào tạm biệt và xin hẹn quý thính giả kỳ tới của Thời Sự Ngày Mai, cũng vào ngày giờ này trên đài truyền hình SBTN.