Cứ Tới 30/4 Lại Nhắc Chuyện Hòa Giải Hòa Hợp Dân Tộc
06/05/201700:00:00(Xem: 769)
Có người hỏi về số phận những viên chức của Chánh quyền Sài gòn, Lê Duẩn trả lời bằng cử chỉ đưa bàn tay cứa ngang cổ. Võ văn Kiệt “nhơn từ” đề nghị cho đi tập trung cải tạo để khai thác sức lao động của họ phục vụ lợi ích xã hội chủ nghĩa cho tới kiệt sức sẽ thả ra về cho gia đình chăm sóc. Chết sống sẽ do khả năng sanh tồn trong cải tạo định đoạt.
Những người may mắn thoát được ra nước ngoài, với hai bàn tay trắng, bắt đầu làm lại cuộc đời. Gian khổ nhưng được tự do. Với họ, ngày 30/04 không gì khác hơn là kỷ niệm đau thương.
Ở lại hay ra đi, cả hai đều chỉ thấy mình là người dân bị mất nước, mất tất cả, chớ không ai thấy Miền nam được giải phóng, đất nước được thống nhứt. Trong những người cộng sản, có thể có triệu người vui thật sự vì có điều kiện chiếm đoạt tài sản của dân Miền nam làm giàu, còn trìệu người kia, có lương tâm trong sáng, khi vào thấy Miền nam không như họ hiểu do bị chế độ tuyên truyền, bắt đầu đau buồn, ân hận đã cống hiến mạng sống, tuổi trẻ sai lầm, thật hoang phí. Họ là nhũng kẻ đã trao thân nhằm tướng cướp.
Khi Hà nội áp đặt chánh sách xã hội chủ nghĩa cai trị Miền nam thì xã hội Miền nam ngày càng thêm tan nát, những giá trị xã hội, đạo đức bị bứng gốc và đảo ngược. Hệ quả là thực tế ngày nay ở Việt nam.
Thực tế sau 42 năm
Rồi sự phấn khởi chiến thắng cũng lần lần lắng dịu, nhà cầm quyền bắt đầu thấy chiến thắng chỉ có nghĩa là chiếm được Mìền nam, chỉ thống nhứt về mặt hành chánh, nhân tâm ngày càng phân tán, sự bất mản chế độ ngày càng thể hiện khắp nơi trong dân chúng. Hà nội bắt đầu thay đổi thái độ, đưa ra kêu gọi “Đại đoàn kết toàn dân”, ban hành chánh sách “Hòa hợp dân tộc”. Chủ trương của nhà cầm quyền cộng sản là “Hòa hợp dân tộc”. Họ chưa bao giờ nói “Hòa giải, Hòa hợp dân tộc”.
Ngay sau Hiệp định Paris năm 1973, Hà nội đã đưa ra đề nghị “Hội Đồng Hòa giải, Hòa hợp dân tộc” gổm ba thành phần để lo tổ chức tổng tuyển cử, tái lập hòa bình. Nhưng cái “ Hội Đồng Hòa giải Hòa hợp dân tộc” kia chết chưa kịp khai tử vì họ đã dùng võ lực chiếm trọn Miền nam. Sau những năm “đổi mới”, họ thấy rỏ chỉ khi người dân nhìn nhận chánh quyền và hợp tác mới là quan trọng cho đất nước phát triển, nhứt là khối người Việt nam Hải ngoại vừa có khoa học kỷ thuật, vừa có vốn, nên nhà cầm quyền cộng sản quan tâm hơn đến vấn đề “Đại đoàn kết toàn dân”.
Nhưng sau 42 năm kết thúc cuộc chiến tranh xâm lược, vấn đề hoà hợp hoà giải dân tộc được nhà nước Hà nội nhắc đến nhiều lần, trong các cuộc họp Đại hội đảng cộng sản, Hội Nghị Trung ương hay bất cứ nơi nào có những người cầm quyền phát biểu, nhưng thực tế vẩn chưa đạt dưọc kết quả mà họ mong đợi.
Sốt ruột, Hà nội ban hành nào Nghị Quyết 36 ngày 26 tháng 03 năm 2004, nào Nghị quyết 23 ngày 16 tháng 01 năm 2008, những chương trình giao lưu họp mặt do Ủy Ban nhà nước về người Việt nam ở nước ngoài tổ chức để thúc đẩy thực hiện Hòa hợp dân tộc. Thế nhưng 42 năm dài vẩn chưa đủ để cho dân tộc có thể quên đi những tổn thương quá nặng nề do chánh sách cộng sản tạo ra và để lại.
Người cộng sản vẫn còn suy nghĩ ta/địch, cách mạng/ngụy. Họ kêu gọi hòa hợp dân tộc, chớ chưa bao giờ họ nói “Hòa giải” bởi họ cho rằng họ nắm trọn chánh nghĩa. Hòa hợp là mọi người xếp hàng về dưới trướng của đảng cộng sản vì đảng cộng sản đã mở rộng vòng tay đón nhận những “người con hoang” trở về. Tức không hề có chuyện Hòa giải, hai bên nhìn lại để thấy đúng/sai mà thật lòng sửa đổi vì một tiêu chung là quyền lợi đất nước, dân tộc. Có hòa giải thật lòng tự nhiên có ngay hòa hợp.
“Hòa giải, Hòa hợp dân tộc”
Hiệp định Paris qui định “Hội Đồng Quốc gia Hòa giải Hòa hợp dân tộc” gồm ba thành phần ngang nhau, và công nhận hai thực thể chánh trị ngang nhau ở Miền nam là Chánh quyền Sài gòn và Chính phủ Cách mạng Lâm thời; hai chính thể này phải tiến đến một giải pháp chính trị trong tình trạng có đầy đủ các quyền dân chủ và không có sự can thiệp của Mỹ. Có một điều khoản qui định “tất cả tù chính trị đều phải được thả trên tinh thân “hòa giải và hòa hợp dân tộc, nhằm chấm dứt thù hằn, giảm bớt đau khổ và đoàn tụ các gia đình”.
Nguyên văn như sau:
“Ngay sau khi ngưng bắn, hai bên Miền nam Việt nam sẽ:
– Thực hiện hòa giải và hòa hợp dân tộc, xóa bỏ thù hằn, cấm mọi hành động trả thù và phân biệt đối xử với những cá nhân hoặc tổ chức đã hợp tác với bên này hoặc bên kia;
– Bảo đảm các quyền tự do dân chủ của nhân dân: tự do cá nhân, tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do hội họp, tự do tổ chức, tự do hoạt động chính trị, tự do tín nguỡng, tự do đi lại, tự do cư trú, tự do làm ăn sinh sống, quyền tư hữu tài sản và quyền tự do kinh doanh....”.
Nhưng ba ngày trước khi ký Hiệp Định Paris, Kissinger còn tuyên bố tại một cuộc họp báo rằng chính sách của chính phủ Mỹ là không “áp đặt một chính phủ liên hiệp hay một chính phủ liên hiệp trá hình trên nhân dân Việt Nam”. Ngày 23 tháng Giêng năm 1973 Nixon tuyên bố trên các đài truyền thanh và truyền hình Mỹ rằng Hoa Kỳ “vẫn tiếp tục công nhận chính phủ Cộng Hòa Việt Nam như là chính phủ chính danh độc nhất ”. Nhưng trong chánh trị, xưa nay, chưa bao giờ có bạn muôn thuở, thù muôn đời. Nên sau đó, Mỹ đã bán đứng trọn vẹn Miền nam Việt nam cho cộng sản Bắc việt. Và Hà nội đã vứt bỏ từ lâu đề nghị do chính họ đưa ra, áp dụng triệt để chánh sách trả thù giai cấp lên toàn dân Miền nam bởi “Người quét đường cũng có tôi với Cách mạng” (dạy trong học tập ở khu phố).
Không thể có “Hòa giải và Hòa hợp” với cộng sản
Khi nói “Hòa giải và Hòa hợp” với cộng sản không có gì khác hơn nói “Hòa giải và Hòa hợp” với Thiện và Ác. Hoặc nói “tư tưởng Dân chủ Tự do Nhơn quyền” có thể hòa giải và hòa hợp với “Chủ nghĩa lý luận không có con người và chủ nghĩa vô nhơn bản” được không?
Hồ Chí Minh tin tưởng tuyệt đối ở bác Xít và bác Mao là hai người không thể sai lầm nên đã học tập nhuần nhuyễn tư tưởng của Mao. Xin trích vài nét nổi bật trong tư tưởng chánh trị của Mao:
“Làm chánh trị như làm chiến tranh. Không thể có xây dựng nếu không có phá bỏ, hủy diệt.
Trước hết, và căn bản, Mao chủ trương phá bỏ, hủy diệt Quốc tế cộng sản. Vì có làm như thế thì Trung quốc mới bình đẳng với Nga, Mỹ và xây dựng thế giới mới 3 cực.
Tần Thỷ Hoàng không có gì ghê gớm cho lắm vì hắn chỉ chôn sống có 460 nho sĩ. Chúng ta sẽ chôn sống ít lắm cũng phải 46000 trí thức tiểu tư sản.
Phải thực hiện vườn không, nhà trống triệt để về vật chất và tinh thần. Mỗi người phải như một tờ giấy trắng, không được quyền sở hữu tài sản, nhà đất, và không được có kiến thức, tri thức. Tất cả phải thành “không”, sạch bách! Những người dân như vậy mới thông minh” (M.H.Bernard, Mao Tsé-toung, 1893-1976, VOIX, Paris 2003).
Mao chủ trương chánh trị độc tài tuyệt đối như vậy để duy trì chế độ lâu dài. Bởi Lê-nin dạy rỏ “Một chế độ sẵn sàng thực thi khủng bố vô giới hạn thì không thể nào bị lật đổ.” (Simon LEYS, Essais sur la Chine, Robert Laffont, Paris 1998, trg 4.)
Nhơn đây tưởng cũng nên nhắc lại một chuyện xưa thời còn biên giới Thạch hãn để thấy cộng sản không chỉ xem Chánh quyền là kẻ thù (Ngụy quân, Ngụy quyền), mà cả người dân bình thường cũng là kẻ thù cần phải tiêu diệt. Trần Đĩnh kể trong Đèn Cù II (trang 461-462): “Sông đã lấp thành tên, mà báo cứ ca ngợi cô Lý oằn lưng chèo lái. Hầu hết nghe đều cười. Tự giễu và rộng lượng. Nhưng khi Sinh nói ở Vĩnh Linh, anh đã chứng kiến những người ở phía bên Nam kia bị ta bắt sang chôn sống kêu rất lâu dưới huyệt, tôi lại thấy mọi người lạnh mặt lại. Sẵn sàng bao dung với ta và hóa đá với địch”. Phải chăng việc tàn sát tập thể ở Huế năm Mậu thân 1968 chỉ là tiếp nối truyền thống man rợ này của Quân đội nhân dân?
Phải có Dân chủ mới hòa giải và hòa hợp
Cho tới nay, Hà nội chỉ kêu gọi mọi người về dưới sự lãnh đạo của đảng cộng sản nên trong vài tháng qua đã xảy ra lắm chuyện ỏ Việt nam nói rỏ không thể có “Hoà hợp, Hòa giải dân tộc” nếu không có Dân chủ.
Những bài hát tinh cảm đang hát bổng bị cấm. Sách vở biên khảo về lịch sử đã phát hành bị thu hồi vô cớ (về Trương Vĩnh Ký của Nguyễn Đình Đấu).
Về lịch sử, văn hóa, những kiến trúc cổ ở Sài gòn bị phá để bán địa điểm cho doanh nhơn ngoại quốc xây cơ sở mới. Hà nội không cần thấy người dân Sài gòn thương tiếc đó là một phần ký ức đời sống của họ bị Hà nội thêm một lần nữa cướp mất. Họ không thể thấy đó là chương trình phát triển đô thị. Không chỉ riêng với Miền nam nơi bị cưởng chiếm 30/04/75, mà với cả Miền Bắc, người cộng sản cũng chủ trương biến đầu óc mọi người phải sạch như tờ giấy trắng để họ nhồi nhét đìều họ muốn. Những trận đánh Gạc Ma, chiến tranh biên giới hoàn toàn không tồn tại trong sách giáo khoa lịch sử thời Xã hội chủ nghĩa. Người trẻ chỉ còn tìm kiếm qua thông tin trên mạng, để họ kêu gọi nhau trân trọng những gì vốn dĩ thuộc về sự thật và lịch sử dân tộc.
Không thừa nhận lịch sử thì làm sao hòa giải và hòa hợp dân tộc được?
Tiến sĩ sử học Nguyễn Nhã, trả lời đài BBC, cho rằng một trong những yếu tố quan trọng để dẫn đến hoà hợp hoà giải dân tộc, đó là thừa nhận vai trò của Việt Nam Cộng Hoà: “Theo tôi bất cứ một giai đoạn lịch sử nào cũng có vai trò của nó. Nếu thừa nhận vai trò đó, của hai bên, nó sẽ dễ dàng hoà hợp. Các nhà nghiên cứu, làm sử đặt ra vấn đề là phải thừa nhận Việt Nam Cộng hoà là một thực thể. Trong giai đoạn đó có một thực thể, trong đó có vấn đề đối nội đối ngoại, có những điểm tốt, không tốt, lịch sử phải khách quan. Ví dụ như trong vấn đề Hoàng Sa, phải chấp nhận là Việt Nam Cộng hoà đã có trách nhiệm, và Hoa Kỳ cũng đã có phản ứng. Mà khi có phản ứng tức là Trung Quốc đã xâm lược. Đó là một điều phải khẳng định”.
Nên thấy bất cứ một giai đoạn lịch sử nào cũng có vai trò của nó. Nếu thừa nhận vai trò đó, của hai bên, thì mới có thể hoài giải và hoà hợp được.
Khi chỉ có người Bắc mới thông minh, mới có lý luận nên mới lãnh đạo đảng được, như Nguyễn Phú Trọng nói, thì mọi người chỉ còn biết phải đặt mình dưới trướng đảng độc tài thối nát mà thôi.
Nguyễn thị Cỏ May
No comments:
Post a Comment