Friday, March 31, 2017

TỐNG PHONG BÌ VÀO MIỆNG CHÚNG.

TỐNG PHONG BÌ VÀO MIỆNG
Author: Phan Ngọc QuếSource: Việt Nam Dân Đen Posted on:2017-03-31


Ủy viên Quốc vụ viện Trung Cộng Dương Khiết Trì
Dương Khiết Trì (Yang Jiechi), cựu bộ trưởng Ngoại Giao Trung Cộng (2007-2013) đã viết một bài, tựa đề: “ Không cần phải đánh Việt Nam chúng nó!
Nguyên văn dưới đây:
"Súng đạn nào mãnh liệt bằng phong bì tống vào miệng chúng để sau đó Đại Hán ta ngồi ngay trên nóc nhà Tây Nguyên, đào mồ xới mả đất Mẹ của chúng, thải chất độc vào môi trường của chúng và Bộ chính trị của chúng vẫn khăng khăng đấy là chiến lược đã quyết, là chính sách công nghiệp hóa hiện đại đất nước không thể ngừng."
Thật là nhục nhã !
Tứ Trụ Triều Đình Quang-Trọng-Phúc-Ngân hãy vễnh tai trâu mà nghe cho rõ tên Hán Tặc Dương Khiết Trì nó chửi. Nó hỗn láo xấc xược chửi đến TAM TỨ ĐẠI ĐỒNG ĐƯỜNG đám Tứ Trụ các người, nó thừa nhận đã "TỐNG PHONG BÌ VÀO MIỆNG" các người để các người giao nộp Hoàng-Trường Sa biển đảo, biên giới, Ải Nam Quan, nóc nhà Tây nguyên cho nó.....để nó "ĐÀO MỒ XỚI MÀ" tổ tiên dân Việt lên.
Xấc xược hỗn láo đến thế là cùng !
Thế mà tên Nguyễn Phú Trọng bộ mặt trơ trẽn ôm siết nó vào người như người tình muôn thuở. Tên Bộ Trưởng NG Phạm bình Minh siết tay nó thặt chặt miệng cười duyên như tri kỷ tri âm. Bọn Lãnh đạo CSVN lương tri các người để đâu, điếc hết rồi cả sao?
Một bọn khôn nhà dại chợ, hèn với giặc Tàu kẻ muốn tiêu diệt dân mình chiếm đoạt đất nước mà tổ tiên bao đời đã gầy dựng, nhưng lại ác với dân.
Người dân chỉ biểu tình ôn hòa, có bạo động đập phá gây thiệt hại tài sản gì mà CSVN cho bọn côn an côn đồ đánh đập đổ máu ? Người dân 4 tỉnh miền Trung chỉ đòi hỏi bọn cầm quyền điều tra công bố nguyên nhân biển bị nhiễm độc gây cá chết và công bố thủ phạm. Một đòi hỏi hợp lý và phù hợp với luật pháp như vậy lại bị đàn áp đánh đập không nương tay. Trong khi những kẻ cầm quyền có trách nhiệm, từ cấp Tỉnh cho đến trung ương phủ bộ, lại câm miệng hến như không có gì xảy ra suốt bao tháng trời.
Ngư dân đói khổ, màn trời chiếu đất, vô kế sinh nhai vì ngư trường 4 tỉnh bị hũy hoại vì “GIẶC LẠ”, quan chức cầm quyền không ai ân cần an ủi thăm nom vỗ về chia sẻ nhường cơm xẻ áo với dân. Đâu rồi cái thời kêu gọi hô hào “TAM CÙNG : CÙNG LÀM - CÙNG ĂN - CÙNG Ở" với dân hay chỉ là khẩu hiệu để phĩnh phờ lừa gạt?
Đã không chia sẻ thì chớ những mất mát mà người dân 4 tỉnh duyên hải phải gánh chịu, bà Chủ Tịch Quốc Hội ngược lại lên giọng công an cay cú hách dịch trong cuộc họp báo ngày 23-7-2016 :
“Chưa làm gì cả, chỉ có nói, kích động CÁC PHẦN TỬ XẤU ĐỂ LÀM RỐI TÌNH HÌNH.”
Là đại diện dân, bà Ngân không đứng về phía nhân dân đấu tranh cho quyền lợi người dân mà lại chụp mũ cho họ là “các phần tử xấu làm rối tình hình.” Vậy bà Ngân là Chủ Tịch Quốc Hội hay là Bộ Trưởng Công An ? Vậy chớ khẩu hiệu :”DÂN BIẾT, DÂN BÀN, DÂN NÓI” từ cửa miệng các quan chức nhà nước Xã Nghĩa để xử dụng trong trường hợp nào ? Quan chức nhà nước các người, từ trung ương xuống tới địa phương, nếu đã lỡ bị tên “Giặc Lạ” “TỐNG PHONG BÌ VÀO MIỆNG” trở thành CÂM ậm ừ chứ thằng dân ăn cái giải gì mà phải ngậm miệng chịu đói khổ ?
Cả cái bộ máy cầm quyền tham ô nhũng lại, hà hiếp dân tình đến thế, hèn nhục đến thế thì trách chi tên Tàu Lạ Dương Khiết Trì không khinh rẽ ra mặt, sĩ nhục công khai.
“Chúng ta không cần đánh bởi chúng đã đánh dân của chúng thế chúng ta.
Chúng ta cũng không cần phải cướp vì chúng đã tự cướp nước của chúng để dâng để bán và sẽ tiếp tục dâng, tiếp tục bán cho chúng ta.”
Thật là cạn tàu ráo máng ! Những người Cộng Sản Việt Nam tự coi mình là “Đỉnh Cao Trí Tuệ” nghe những lời sĩ nhục của tên giặc Tàu chỉ có hộc máu mà chết như Châu Du chứ sống làm sao nỗi trước miệng đời nguyên rũa.
Riêng với bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ Tịch cái Quốc Hội bù nhìn, tưởng cũng nên có đôi lời phải trái mong bà sáng mắt.
Ở các nước Dân chủ phương Tây, các đại diện dân không chỉ ngồi trong tòa nhà Lập Pháp mà xuống tận dân tình để lắng nghe tiếng nói của quần chúng cử tri (các cuộc tiếp dân gọi là Town Hall). Trước vụ cá chết trắng biển 4 tỉnh miền Trung, nhẽ ra bà nên thân hành xuống tận nơi để thấy cảnh màn trời chiếu đất của ngư dân, ghe thuyền nằm ụ bến bãi, hàng quán dịch vụ sống nhờ vào ngư trường vắng hoe buồn thảm như chỗ không người…… Trước khi có những phát biểu kẻ cả cửa quyền, bà nên xuống tận nơi để “LẮNG NGHE” tiếng kêu vang thống khổ thế nào của những con người khốn nạn hiện đang sống trong cái “Thiên Đường Xã Nghĩa” xuống hàng chó ngựa mà bà là một trong giới lãnh đạo.
Bà Ngân là người đại diện dân không đứng về phía nhân dân, không đau cái đau của dân, không chia sẻ những oan tình của những con người khốn khổ, thế bà ngồi ở cái ghế Chủ tịch để làm gì? Ai và Thế Lực nào đã đưa bà ngồi vào cái ghế thay mặt nhân dân ?
Bà Ngân có nét dáng của người phụ nữ đẹp, hãy tự soi lại gương mặt mình để thấy xấu hổ nhục nhã khi nghe thằng Tàu Dương Khiết Trì nó chà đạp đám lãnh đạo CSVN các người xuống chân bằng những lời sĩ nhục dưới đây:
Cần gì phải đánh khi chúng thay thế ta ngăn chặn, trấn áp, bắt giam, bỏ tù dân của chúng đứng lên phản đối Đại Hán. Đánh chúng sẽ khơi dậy lòng yêu nước của dân tộc chúng vốn. Đảng của chúng đã tích cực giúp chúng ta tiêu diệt lòng yêu nước của dân tộc chúng trong suốt bao năm qua, đã biến đa phần dân của chúng thành những đàn cừu chỉ muốn sống trong hòa bình của một cuộc đời nô lệ. Chúng đang làm tốt!
Ô hô! Bộ mặt bán nước cầu vinh của Cộng Sản Việt Nam đã bị chính “NGƯỜI THẦY TÍN CẨN” của chúng phơi bầy trước bàng quan thiên hạ, chứ không phải của “THẾ LỰC THÙ ĐỊCH” nào cả.
Hỡi bọn Lãnh Đạo CSVN !
Hãy cúi đầu mà nghe gió bão búa rìu của hồn thiêng sông núi.
ĐỨA CON HOANG ĐÀNG

Thà nó đánh ta, ta không đau
Thà nó chửi ta, ta không tức
Thà nó cướp của ta, ta xem như đã mất
Thà nó giết ta, chết một đời là hết
Nhưng nó bảo ta "Đứa con hoang đàng"
"Nay trở về nhà sau ngày tháng đi hoang"
Ôi nhục nhã làm sao!
Nó xem ta như con của nó
Chỉ biết cúi đầu nghe bố dạy, nghe con!
Ôi Văn Hiến nghìn năm, Lạc Hồng anh dũng
Trãi bốn ngàn năm
Gìn giữ giang sơn bất khuất kiên cường
Dựng trời Nam hùng cứ một phương
Một tấc đất thắm đậm tình xương máu
Giờ này đây cúi đầu nghe giặc dạy bảo
Hãy ngoan lên chớ bướng bĩnh, nghe con!
Đẹp mặt chưa, lũ Ba Đình tôi tớ!
Một đời khom lưng thờ phụng Nga Tàu
Để dân tình khốn khổ lòng đau
Để giặc khinh thường, chửi thằng con lưu địa
"Thằng con hoang đàng" nhục nhã quá người ơi!
Trước thế nước lâm nguy, toàn dân Việt Nam trong ngoài nước hãy cùng đứng lên làm lịch sử, diệt lũ ươn hèn khiếp nhược, dựng cờ dân tộc phá tan trận đồ xâm lược của bọn Đại Hán hung hăng.
Hồn thiêng sông núi đang chờ đợi ngày nhân dân Việt trong ngoài nước đứng lên phá xiềng làm lịch sử. .../
Phan Ngoc Que

Wednesday, March 29, 2017

Âm nhạc miền Nam và những ngày xưa thân ái .



Âm nhạc miền Nam và những ngày xưa thân ái .
Vũ Đông Hà

Nếu ai hỏi tôi, ảnh hưởng lớn nhất để tôi trở thành người ngày hôm nay, biết rung động trước hình ảnh của Ngoại già lầm lũi quang gánh đổ bóng gầy dưới ánh đèn vàng, biết nhung nhớ một khe gió luồn qua hai tấm ván hở của vách tường ngày xưa nhà Mẹ, biết man mác buồn mỗi khi đến hè và trống vắng với một tiếng gà khan gáy ở sau đồi, biết tiếc nuối một mặt bàn lớp học khắc nhỏ chữ tắt tên người bạn có đôi mắt người Sơn Tây, biết ngậm ngùi trăn trở chỉ vì một tiếng rao hàng đơn độc đêm khuya... Câu trả lời là Âm Nhạc Miền Nam.


Âm Nhạc Miền Nam đã trở thành một chất keo gắn chặt cuộc đời tôi vào mảnh đất mang tên Việt Nam. Âm Nhạc Miền Nam đã làm tôi là người Việt Nam.

*
Tôi lớn lên theo những con đường đất đỏ bụi mù trời và cây reo buồn muôn thuở. Niềm say mê âm nhạc đơm mầm từ các anh lớn của Thiếu và Kha đoàn Hướng Đạo Việt Nam, trổ hoa theo những khúc hát vang vang của các anh giữa vùng trời Đạt Lý đang vào mùa cà phê hoa trắng nở: "Tôi muốn mọi người biết thương nhau. Không oán ghét không gây hận sầu. Tôi muốn đời hết nghĩa thương đau. Tôi muốn thấy tình yêu ban đầu..." Các bậc đàn anh như nhạc sĩ Lê Hựu Hà, Nguyễn Trung Cang của Phượng Hoàng đã lót đường nhân ái cho đàn em nhỏ chúng tôi chập chững trở thành người, để biết ngước mặt nhìn đời và "cười lên đi em ơi, dù nước mắt rớt trên vành môi, hãy ngước mặt nhìn đời, nhìn tha nhân ta buông tiếng cười..."

Những đêm tối, giữa ngọn đồi nhiều đại thụ và cỏ tranh, bên nhau trong ánh lửa cao nguyên chập chờn, chúng tôi cảm nhận được niềm hãnh diện Việt Nam với bước chân của cha ông và bước chân sẽ đi tới của chính mình: "Ta như giống dân đi tràn trên lò lửa hồng. Mặt lạnh như đồng cùng nhìn về một xa xăm. Da chân mồ hôi nhễ nhại cuộn vòng chân tươi. Ôm vết thương rĩ máu ta cười dưới ánh mặt trời..." Và anh Nguyễn Đức Quang, người nhạc sĩ của thị xã đèo heo hút gió đã trở thành thần tượng của chúng tôi. Có những buổi chiều buông trong Rừng Lao Xao bạt ngàn, những đứa bé chúng tôi theo anh ngậm ngùi số phận "Xương sống ta đã oằn xuống, cuộc bon chen cứ đè lên. Người vay nợ áo cơm nào, thành nợ trăm năm còn thiếu. Một ngày một kiếp là bao. Một trăm năm mấy lúc ngọt ngào. Ôi biết đến bao giờ được nói tiếng an vui thật thà." Nhưng cũng từ anh đã gieo cho chúng tôi niềm lạc quan tuổi trẻ: "Hy vọng đã vươn lên trong màn đêm bao ưu phiền. Hy vọng đã vươn lên trong lo sợ mùa chinh chiến. Hy vọng đã vươn lên trong nhục nhằn tràn nước mắt. Hy vọng đã vươn dậy như làn tên..." Và từ anh, chúng tôi hát cho nhau "Không phải là lúc ta ngồi mà đặt vấn đề nữa rồi. Mà phải cùng nhau ta làm cho tươi mới." Cô giáo Việt văn của tôi đã mắng yêu tôi - tụi em thuộc nhạc Nguyễn Đức Quang hơn thuộc thơ của Nguyễn Công Trứ!

Nguyễn Công Trứ. Đó là ngôi trường tuổi nhỏ có cây cổ thụ già, bóng mát của tuổi thơ tôi bây giờ đã chết. Tôi nhớ mãi những giờ cuối lớp tại trường, Cô Trâm cho cả lớp đồng ca những bài hát Bạch Đằng Giang, Việt Nam Việt Nam, Về Với Mẹ Cha... Đứa vỗ tay, đứa đập bàn, đứa dậm chân, chúng tôi nở buồng phổi vang vang lên: "Từ Nam Quan, Cà Mau. Từ non cao rừng sâu. Gặp nhau do non nước xây cầu. Người thanh niên Việt Nam. Quay về với xóm làng. Tiếng reo vui rộn trong lòng..." Nhìn lên lớp học lúc ấy, có những biểu ngữ thủ công nghệ mà cô dạy chúng tôi viết: Tổ quốc trên hết, Ngày nay học tập ngày sau giúp đời, Không thành công cũng thành Nhân... Nhưng đọng lại trong tôi theo năm tháng vẫn là những câu hát "Tình yêu đây là khí giới, Tình thương đem về muôn nơi, Việt Nam đây tiếng nói đi xây tình người..."

Cô giáo của tôi đã ươm mầm Lạc Hồng vào tâm hồn của chúng tôi và cứ thế chúng tôi lớn lên theo dòng suối mát, theo tiếng sóng vỗ bờ, theo tiếng gọi lịch sử của âm nhạc Việt Nam, để trở thành những công dân Việt Nam yêu nước thương nòi và hãnh diện về hành trình dựng nước, giữ nước của Tổ tiên.

Trong cái nôi nhiều âm thanh êm đềm nhưng hùng tráng ấy, trừ những ngày tết Mậu Thân khi tiếng đạn pháo đì đùng từ xa dội về thành phố, cho đến lúc chui xuống gầm giường nghe tiếng AK47 và M16 bắn xối xả trước nhà vào ngày 10 tháng 3, 1975, tuổi thơ tôi được ru hời bởi dòng nhạc trữ tình của miền Nam để làm nên Những Ngày Xưa Thân Ái của chúng tôi.

"Những ngày xưa thân ái xin buộc vào tương lai
Anh còn gì cho tôi tôi còn gì cho em
Chỉ còn tay súng nhỏ giữa rừng sâu giết thù
Những ngày xưa thân ái xin gởi lại cho em..."


Các anh, những người anh miền Nam đã khoát áo chinh nhân lên đường đối diện với tử sinh, làm tròn lý tưởng Tổ Quốc - Danh Dự - Trách Nhiệm, đã hy sinh cuộc đời các anh và để lại sau lưng các anh những ngày xưa thân ái cho đàn em chúng tôi. Nhờ vào các anh mà chúng tôi có những năm tháng an lành giữa một đất nước chiến tranh, triền miên khói lửa.

Lần đầu tiên, chiến tranh tưởng như đứng cạnh bên mình là khi chúng tôi xếp hàng cúi đầu đưa tiễn Thầy của chúng tôi, là chồng của cô giáo Việt Văn, một đại úy sĩ quan Dù đã vị quốc vong thân. Cô tôi, mồ côi từ nhỏ, một mình quạnh quẻ, mặc áo dài màu đen, tang trắng, đứng trước mộ huyệt của người chồng còn trẻ. Cô khóc và hát tặng Thầy lần cuối bản nhạc mà Thầy yêu thích lúc còn sống - "Ta ngắt đi một cụm hoa thạch thảo... Đôi chúng ta sẽ chẳng còn nhìn nhau nữa! Trên cõi đời này, trên cõi đời này. Từ nay mãi mãi không thấy nhau..."

Và tôi say mê Mùa Thu Chết từ dạo đó. Trong những cụm hoa thạch thảo đầy lãng mạn ấy có đau thương đẫm nước mắt của Cô tôi. Có hình ảnh lá cờ vàng ba sọc đỏ phủ nắp quan tài của người Thầy Đại úy Sĩ quan Binh chủng Nhảy Dù vào mùa Hè hầm hập gió Nồm năm ấy.
*
Từ những ngày xa xăm tuổi nhỏ, những người lính VNCH là thần tượng của chúng tôi. Tôi mơ được làm một người lính Dù bởi anh là loài chim quý, là cánh chim trùng khơi vạn lý, là người ra đi từ tổ ấm để không địa danh nào thiếu dấu chân anh, và cuối cùng anh bi hùng ở lại Charlie. Giữa những đau thương chia lìa của chiến tranh, những dòng nhạc của Trần Thiện Thanh đã cho tôi biết thương yêu, kính trọng những người lính không chân dung nhưng rất gần trong lòng chúng tôi. Những "cánh dù ôm gió, một cánh dù ôm kín đời anh" cũng là những cánh dù ôm ấp lý tưởng đang thành hình trong tâm hồn tuổi nhỏ của chúng tôi.

Nhìn lại quãng thời gian binh lữa ấy, tôi nhận ra mình và các bạn cùng lứa không hề biết rõ Phạm Phú Quốc là ai, chỉ biết và say mê huyền sử của một người được "Mẹ yêu theo gương người trước chọn lời. Đặt tên cho anh, anh là Quốc. Đặt tên cho anh, anh là Nước. Đặt tên cho Người. Đặt tình yêu Nước vào nôi", chỉ ước ao một ngày chúng tôi cũng được như anh, cũng sẽ là những "Thần phong hiên ngang chẳng biết sợ gì!" Chúng tôi, nhiều đứa núi đồi, rừng rú, chưa bao giờ thấy biển nhưng thèm thuồng màu áo trắng và đại dương xanh thẳm, thuộc lòng câu hát "Tôi thức từng đêm, thơ ấu mà nghe muối pha trong lòng. Mẹ là mẹ trùng dương, gào than từ bãi trước ghềnh sau. Tuổi trời qua mau, gió biển mặn nuôi lớn khôn tôi. Nên năm hăm mốt tuổi, tôi đi vào quân đội. Mà lòng thì chưa hề yêu ai". Chúng tôi cũng không tìm đọc tiểu sử, cuộc chiến đấu bi hùng của Đại tá Nhảy Dù Nguyễn Đình Bảo, cũng không biết địa danh Charlie nằm ở đâu, nhưng Đại tá Nguyễn Đình Bảo là biểu tượng anh hùng của chúng tôi để chúng tôi thuộc lòng khúc hát "Toumorong, Dakto, Krek, Snoul. Trưa Khe Sanh gió mùa, đêm Hạ Lào thức sâu. Anh! Cũng anh vừa ở lại một mình, vừa ở lại một mình. Charlie, tên vẫn chưa quen người dân thị thành." Chúng tôi không biết "Phá" là gì, "Tam Giang" ở đâu, nhà thơ Tô Thùy Yên là ai, nhưng "Chiều trên phá Tam Giang anh chợt nhớ em, nhớ ôi niềm nhớ ôi niềm nhớ đến bất tận. Em ơi, em ơi..." đã thân thiết chiếm ngự tâm hồn để chúng tôi biết thương những người anh chiến trận đang nhớ người yêu, nhớ những người chị, cô giáo của chúng tôi ngày ngày lo âu, ngóng tin từ mặt trận xa xăm.

Trong cái nôi của những ngày xưa thân ái ấy, từ nơi khung trời đầy mộng mơ của mình chúng tôi chỉ biết đến nỗi niềm của các anh bằng những "Rừng lá xanh xanh lối mòn chạy quanh, Đời lính quen yêu gian khổ quân hành". Giữa mùa xuân pháo đỏ rộn ràng con đường tuổi thơ thì chính âm nhạc nhắc cho những đứa bé chúng tôi biết đó cũng là "ngày đầu một năm, giữa tiền đồn heo hút xa xăm, có người lính trẻ, đón mùa xuân bằng phiên gác sớm". Giữa những sum vầy bình an bên cạnh mai vàng rực rỡ, thì ở xa xăm có những người con rưng rưng nhớ đến Mẹ già và gửi lời tha thiết "bao lứa trai cùng chào xuân chiến trường, không lẽ riêng mình êm ấm, Mẹ ơi con xuân này vắng nhà..." Âm nhạc Việt Nam đã gieo vào tâm hồn chúng tôi hình ảnh rất bình thường, rất người, nhưng lòng ái quốc và sự hy sinh của thế hệ đàn anh chúng tôi - những người lính VNCH - thì ngời sáng. Và chúng tôi biết yêu thương, khâm phục, muốn noi gương các anh là cũng từ đó.
*
Sau ngày Thầy hy sinh, chúng tôi gần gũi với Cô giáo Việt Văn của mình hơn. Nhiều đêm thứ bảy, tôi và các bạn ghé nhà thăm Cô. Đó là lúc chúng tôi đến với Một thời để yêu - Một thời để chết. Chúng tôi bắt đầu chạm ngõ tình yêu với những Vũng lầy của chúng ta, Con đường tình ta đi, Bây giờ tháng mấy, Ngày xưa Hoàng Thị, Tình đầu tình cuối, Em hiền như Ma Soeur, Trên đỉnh mùa đông, Trả lại em yêu... Đó là lúc Cô đọc thơ Chiều trên Phá Tam Giang của Tô Thùy Yên cho chúng tôi nghe, giảng cho chúng tôi về tài nghệ "thần sầu" của Trần Thiện Thanh trong lời nhạc "anh chợt nhớ em, nhớ ôi niềm nhớ... ôi niềm nhớ........ đến bất tận. Em ơi... em ơi!..." khi diễn tả nỗi nhớ ngút ngàn, và sau đó chú Trần Thiện Thanh Toàn - em ruột của nhạc sĩ Nhật Trường ở Sài Gòn lên thăm Cô, vừa đàn vừa hát. Những buổi tối này, mình tôi ở lại với Cô tới khuya. Cô đọc thơ và hát nhạc phổ từ thơ của Nguyễn Tất Nhiên, chỉ cho tôi tính lãng đãng của lời nhạc Từ Công Phụng, khắc khoải của Lê Uyên Phương, mượt mà của Đoàn Chuẩn - Từ Linh, sâu lắng của Vũ Thành An... Và qua âm nhạc, Cô kể tôi nghe chuyện tình của Cô và Thầy. Hai người đến với nhau khởi đi từ bản nhạc mà Cô hát khi Cô còn là nữ sinh Đệ Nhất và Thầy là Sinh Viên Sĩ Quan Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam. Bản nhạc ấy có những dòng như sau:

"Nhưng anh bây giờ anh ở đâu
con ễnh ương vẫn còn gọi tên anh trong mưa dầm
tên anh nghe như tiếng thở dài của lòng đất mẹ
Dạo tháng Ba tên anh lẫn trong tiếng sấm đầu mùa mưa
nghe như tiếng gầm phẫn nộ đến từ cuối trời."


Thầy và cô tôi yêu nhau từ sau khúc hát Người Tình Không Chân Dung ấy và "người chiến sĩ đã để lại cái nón sắt trên bờ lau sậy này" cũng là định mệnh Thầy, của cuộc tình bi thương giữa một cô giáo trẻ và người lính VNCH.

Cô tôi sống một mình và qua đời vào năm 2010. Bạn cùng lớp của tôi là Phương lùn, vào một ngày cuối năm, từ Sài Gòn trở về Ban Mê Thuột, xách đàn đến trước mộ Cô và hát lại "Ta ngắt đi một cụm hoa Thạch Thảo" để thay mặt những đứa học trò thơ ấu kính tặng hương hồn của Cô. Còn tôi, năm tháng trôi qua nhưng tôi biết rõ trong dòng máu luân lưu và nhịp đập của tim mình vẫn đầy tràn những thương yêu mà Cô đã gieo vào tôi bằng Âm Nhạc Miền Nam.
*
Một buổi tối chúng tôi ngồi hát với nhau. Các bạn từ Hà Nội, Nam Định, Yên Bái, Đà Nẵng, Sài Gòn... nhưng chỉ có mình tôi là sinh ra và lớn lên trước 1975. Các bạn tôi, hay đúng ra là những người em đang cùng đồng hành trên con đường đã chọn, đã thức suốt đêm hát cho nhau nghe. Rất tự nhiên, rất bình thường: toàn là những ca khúc của miền Nam thân yêu.

Đêm hôm ấy, cả một quãng đời của những ngày xưa thân ái trong tôi sống lại. Sống lại từ giọng hát của những người em sinh ra và lớn lên trong lòng chế độ độc tài. Các em hát cho tôi nghe về những người lính miền Nam mà các em chưa bao giờ gặp mặt "Anh sẽ ra đi nặng hành trang đó, đem dấu chân soi tuổi đời ngây thơ, đem nỗi thương yêu vào niềm thương nhớ, anh sẽ ra đi chẳng mong ngày về...". Tôi hát cho các em mình về những ngày tháng mộng mơ trước "giải phóng" của những "Con đường tuổi măng tre, nắng vàng tươi đẹp đẽ, bóng người dài trên hè, con đường tình ta đi..." Các em tâm sự về cảm nhận đối với người lính VNCH qua những dòng nhạc êm đềm, đầy tình người giữa tàn khốc của chiến tranh: "Tôi lại gặp anh, người trai nơi chiến tuyến, súng trên vai bước lê qua đường phố;  tôi lại gặp anh, giờ đây nơi quán nhỏ,  tuổi 30 mà ngỡ như trẻ thơ".... Tôi chia sẻ với các em về nỗi ngậm ngùi quá khứ: "Như phai nhạt mờ, đường xanh nho nhỏ, hôm nay tình cờ, đi lại đường xưa đường xưa. Cây xưa còn gầy, nằm phơi dáng đỏ, áo em ngày nọ, phai nhạt mây màu, âm vang thuở nào, bước nhỏ tìm nhau tìm nhau"...

Đêm ấy, khi các bạn nói lên cảm nhận về những mượt mà, êm ả, nhân ái của Âm Nhạc Miền Nam, tôi đã tâm sự với các bạn rằng: Chỉ cần lắng nghe và hát lên những dòng nhạc ấy, các em sẽ hiểu thấu được những mất mát khủng khiếp của con người miền Nam. Những mất mát không chỉ là một cái nhà, một mảnh đất, mà là sự mất mát của cả một đời sống, một thế giới tâm hồn, một đổ vỡ không bao giờ hàn gắn lại được. Khi những mượt mà, nhân ái ấy đã bị thay thế bởi những "Bác cùng chúng cháu hành quân" và "Tiến về Sài Gòn" thì các em hiểu được tuổi thanh xuân và cuộc đời của những thế hệ miền Nam đã bị đánh cắp hay ăn cướp như thế nào.
*
Gần 42 năm trôi qua, Âm Nhạc Miền Nam vẫn như dòng suối mát trôi chảy trong tâm hồn của người dân Việt. Chảy từ đồng bằng Cửu Long, xuôi ngược lên Bắc, nhập dòng sông Hồng để tưới mát tâm hồn của mọi người dân Việt đang bị thiêu đốt bởi ngọn lửa bạo tàn cộng sản. Dòng suối trong mát ấy cũng cuốn phăng mọi tuyên truyền xảo trá của chế độ về xã hội, con người miền Nam trước 1975 cũng như về tư cách, phẩm giá, lý tưởng của những người lính VNCH và tình cảm trân quý, yêu thương của người dân miền Nam dành cho họ.

Gần 42 năm trôi qua, trong tuyệt vọng của những kẻ thật sự đã thua trận trong cuộc chiến giữa chính nghĩa và gian tà, nhà cầm quyền cộng sản đã tìm mọi cách để tiêu diệt Âm Nhạc Miền Nam. Nhưng họ không biết rằng, dòng âm nhạc đó không còn là những bản in bài hát, những CD được sao chép, bán buôn... Âm Nhạc Miền Nam đã trở thành máu huyết và hơi thở của người dân Việt, bất kể Bắc - Trung hay Nam, bất kể sinh trưởng trước hay sau 1975. Bạo tàn và ngu dốt có thể đem Âm Nhạc Miền Nam vào những danh sách cấm đoán vô tri vô giác, nhưng không bao giờ đem được Âm Nhạc Miền Nam ra khỏi con người Việt Nam.

Ai giải phóng ai? Hãy hỏi Con Đường Xưa Em Đi và đốt đuốc đi tìm xem Bác Cùng Chúng Cháu Hành Quân đang nằm trong cống rãnh nào trên những con đường Việt Nam!!!
24.03.2017
Vũ Đông Hà
danlambaovn.blogspost.com



Friday, March 10, 2017

Tôm khô Saki làm tại Louisiana

Tôm khô Saki làm tại Louisiana

Chúng tôi theo xa lộ 10 hướng về thành phố Lafayette tìm đến exit 100 nơi có cửa hàng bán lẻ tôm khô của người Việt tại tiểu bang Louisiana để tận mục sở thị con tôm khô Saki, đang được đồn đại ì xèo trên mạng Facebook

Chúng tôi theo xa lộ 10 hướng về thành phố Lafayette tìm đến exit 100 nơi có cửa hàng bán lẻ tôm khô của người Việt tại tiểu bang Louisiana để tận mục sở thị con tôm khô Saki, đang được đồn đại ì xèo trên mạng Facebook rằng bảo đảm ngon, không ngon trả tiền lại. Quy trình chế biến con tôm thực hiện theo 5 tiêu chí: không bẩn, không hoá chất, không nhuộm màu, không chất bảo quản, không từ biển ô nhiễm. Từ exit này, chúng tôi phải đi vào trung tâm thêm bốn năm dặm gặp đường Johnston. À đây, số 5905 #F treo bảng logo thương hiệu Tôm khô Saki đỏ au với chữ S kết hợp hình hai con tôm khô trông thật hấp dẫn.

tom-kho-saki7
Cơ sở phân phối tôm khô Saki làm tại Louisiana

Tôm khô Saki hàng Mỹ, cung cách Do Thái
Tiếp chuyện chúng tôi, anh Phillip Phạm – giám đốc phân phối tôm khô Saki từ công ty sản xuất Dried Shrimp Louisiana độc quyền tại Mỹ – cứ vài ba phút phải ngắt quãng vì những cuộc điện thoại gọi đến đặt hàng. Thậm chí có cuộc gọi từ Hải Phòng, Việt Nam xin làm đại lý độc quyền tại miền Bắc. Miền Nam thì đã có một Việt kiều từ Mississippi làm đại diện. Như vậy, về mạng lưới phân phối, công ty tôm khô Saki của anh Phillip sau 4 tháng hoạt động (9/2016) đến nay đã có đại lý độc quyền không chỉ 10 tiểu bang trong nước Mỹ mà còn có mặt ở Việt Nam (hiện nay chủ yếu là Sài Gòn). Anh Phillip cho biết, hầu hết khách hàng biết đến tôm khô Saki qua mạng xã hội Facebookwebsite: tomkhosakiusa.com. Mỗi tuần công ty phân phối của anh nhận hàng trăm cuộc gọi đặt hàng ở Mỹ và nhiều nước trên thế giới.

tom-kho-saki6
Xe công ty Dried Shrimp Louisiana giao tôm cho công ty phân phối tôm khô Saki
Ðó là một tín hiệu đáng mừng sau thời gian ngắn khai trương, cho thấy khách hàng chấp nhận sản phẩm và số lượng bán ra chắc chắn sẽ gia tăng trong thời gian tới. Ðiều này cho thấy, việc nắm bắt thị trường tôm khô sạch của giám đốc công ty tôm khô Saki khá nhạy bén. Trong khi đó, tôm khô bán ở chợ có rất nhiều nguồn nhập cảng từ Trung Quốc, Việt Nam, Thái Lan… đều dùng chất bảo quản để lưu trữ lâu dài và nhu cầu sử dụng tôm khô của người châu Á trong nước Mỹ khá lớn. Anh Phillip thẳng thắn bày tỏ: “Nhiều người, lên Facebook hỏi có phải tôm khô nhập từ Việt Nam qua bán không? Xin thưa là không. Tôm khô Saki làm tại Mỹ là từ con tôm tươi vùng vịnh Mexico vừa đánh bắt lên bờ, qua quy trình luộc, sấy khô sạch sẽ. Tất cả đều làm bằng máy móc theo đúng quy định tiêu chuẩn sản xuất mặt hàng thực phẩm”.


Phillip Phạm sinh ra và lớn lên ở Đà Nẵng, đến Mỹ năm 1992, định cư tại Houston. Tốt nghiệp College năm 1997 nhưng lại đi theo nghề làm nail suốt 20 năm. Đến tháng 9/2016 ký hợp đồng thành lập công ty độc quyền phân phối tôm khô cho công ty Dried Shrimp Louisiana với thoả thuận công ty cho phép sử dụng tên thương hiệu bằng tiếng Việt “Tôm khô Saki”. Saki cũng là biệt danh mẹ anh đặt cho anh hồi còn bé.
tom-kho-saki


Anh tâm sự thêm: “Sau sự kiện ô nhiễm nguồn nước biển của công ty Formosa xả chất thải tại các tỉnh ven biển miền Trung Việt Nam, người Việt trong nước bắt đầu nghi ngại sử dụng tất cả các loại hải sản cho dù nguồn nước biển có được cải thiện qua hệ thống xử lý. Không ai biết được việc tiếp tục xả thải của Formosa ra sao cho đến chừng nào công ty này ngưng hoạt động. Nhưng chuyện này thì không thể, và sẽ còn nhiều vấn đề ô nhiễm nguồn nước hay môi trường sản xuất từ những công ty khác nữa. Hải sản và nhiều loại thực phẩm khác không bảo đảm vệ sinh, phẩm chất kém là chuyện đương nhiên. Nhưng đó là mối nguy hại cho sức khoẻ người tiêu dùng về lâu về dài”.

tom-kho-saki5
Công nhân của công ty Dried Shrimp Louisiana đang hút tôm dưới hầm tàu đánh bắt mới vào bờ
Chính vì điều này nảy sinh nhu cầu sử dụng sản phẩm sạch cho dù sản phẩm nhập cảng có đắt tiền hơn sản phẩm trong nước, một số người tiêu dùng vẫn vui vẻ chấp nhận. Ðiều này minh chứng cho việc tôm khô Saki làm tại Mỹ nhập theo đường tiểu ngạch về Sài Gòn qua các công ty vận chuyển hàng hoá vẫn bán được đều đặn qua một số đại lý trong nước với số lượng kha khá. Cũng có người bảo, đưa tôm khô Mỹ vào Việt Nam là chuyện “chở củi về rừng”. Nhưng theo Phillip Phạm, đây là củi tốt, người tiêu dùng tuỳ theo hoàn cảnh kinh tế có quyền chọn lựa. Cũng như một số người tiêu dùng trong nước Mỹ bắt đầu chọn tôm khô sản xuất tại Mỹ vì phẩm chất ngon và rất vệ sinh. Hơn nữa, chúng tôi phục vụ theo cung cách Do Thái, có nghĩa tính trung thực trong quảng cáo, uy tín trong kinh doanh, phẩm chất hàng hoá là trên hết, không để người tiêu dùng bỏ tiền mua lầm sản phẩm. Nhiều công ty bán hàng online trên mạng, hầu hết  đều là người Do Thái điều hành, chẳng hạn như công ty mua bán Ebay.

Tôm khô phải khô, màu sắc tự nhiên
Ðó là điều mà tất cả người tiêu dùng đều mong muốn ở mặt hàng tôm khô. Anh Phillip kể ở công ty Dried Shrimp Louisiana khi tàu tôm vừa cập cảng, hệ thống ống hút của nhà máy tôm khô đưa ống xuống hầm tàu hút tôm tươi lên, rửa qua bồn nước, sau đó được đưa thẳng vào nồi luộc bằng nước biển loãng, rồi qua hệ thống sấy kín bằng không khí nóng từ 5 cho đến 8 tiếng đồng hồ tuỳ theo mẻ tôm lớn nhỏ với nhiệt độ ổn định, sau đó bóc vỏ, cuối cùng qua hệ thống sàng sảy phân loại tôm lớn nhỏ trên băng chuyền. Cho nên hương vị tôm khô không mặn, khô mềm chứ không cứng như một số tôm nhập cảng từ các nước khác vào Mỹ bán trên thị trường, màu sắc cam đỏ tự nhiên. 7 lbs tôm tươi mới cho ra 1 lb tôm khô.

tom-kho-saki4
Tôm tươi qua công đoạn làm sạch chuẩn bị hấp chín để làm tôm khô
Thật vậy, chúng tôi nhìn thùng tôm khô màu sắc tự nhiên tươi rói chờ nhân viên cân vô bao hút chân không đã thấy thèm muốn ăn thử. Mùi tôm thơm không có mùi khai, vị ngọt của tôm còn đọng trên đầu lưỡi. Với số lượng tôm tươi để cho ra thành phẩm một cân tôm khô như trên đã nói là điều không cơ sở làm tôm khô nào ở trong nước thực hiện được. Giá thành cao người tiêu dùng khó chấp nhận. Người viết bài này đã từng học cách làm tôm khô thủ công từ ngư dân miền duyên hải Cần Giờ cách đây nhiều năm, giờ vẫn còn nhớ. Tôm tươi rửa sạch luộc với muối hột, phơi khô hai nắng, bỏ vô bao vải đập nát vỏ, sàng sảy ra con tôm khô. Cứ 5 kg tôm tươi cho ra 1 ký tôm khô. Ðó là cách tự làm để dành ăn lâu dài, chứ ra ngoài chợ mua thì tôm khô hơi ướt vì 4 kg tôm tươi làm thành 1 ký tôm khô. Do vậy tôm khô mua chợ để lâu nhiều tháng thường nổi mốc trắng không phải do vi sinh mà là do muối bỏ vô luộc tôm quá nhiều với mục đích giữ tôm khô có độ ẩm cao được lâu. Nhưng tôm khô kiểu này muốn ăn phải đem ra ngâm lâu và rửa nước nhiều lần.

tom-kho-saki3
Nhân viên của công ty tôm khô Saki đóng gói tôm khô ép chân không
Chúng tôi gọi điện liên lạc với chị Tuyết, tại Houston, khách hàng từng đặt mua tôm khô Saki cách nay một tháng để hỏi phản hồi sau khi dùng. Chị cho biết: “Nhìn bao tôm thấy to dù tôi mua 2 lbs loại nhỏ, màu sắc tự nhiên nhưng ông chồng tôi bảo từ nào giờ đâu thấy con tôm khô nào có màu tươi như thế này. Coi chừng tôm có nhuộm màu. Tôi mở bao bóc một nắm, ngâm trong cái chén một tiếng đồng hồ, nước trong chén vẫn trong, con tôm nở to ra nhìn càng thấy hấp dẫn hơn nữa. Ông chồng tôi bấy giờ mới tin màu tôm khô tự nhiên trăm phần trăm, bảo tôi đem rim tôm cho thêm chút nước mắm để được đậm đà, nếu không thì hao tôm lắm. Ổng nói tôm khô ngon như vầy ăn với củ kiệu, khỏi cần rắc đường, là bá chấy”.

tom-kho-saki2
Tôm khô Saki bày bán tại Hội chợ Tết Orlando, Florida qua đại lý độc quyền
Trên đường về, chúng tôi ghé lại một chợ Á Ðông để kiểm chứng giá cả tôm khô Saki. Trên quầy tôm khô, có vài loại thương hiệu nhập cảng. Có cả tôm khô làm tại Louisiana, trên bao bì có in chữ Tàu của một cơ sở phân phối giống như công ty phân phối của anh Phillip. Tuy nhiên, con tôm vẫn nhỏ hơn, chia thành gói nhỏ 1/5, 1/4, 1/3 pound với mục đích cho người tiêu dùng dễ mua. Nhưng nếu tính giá thành một pound thì đắt hơn nhiều so với một pound tôm của công ty tôm khô Saki. Làm ăn thì phải cạnh tranh về chất cũng như giá cả là chuyện bình thường. Dẫu sao tôm khô Saki vẫn lợi thế hơn vì có giá phải chăng.

tom-kho-saki1
Khách hàng đi hội chợ mua tôm khô Saki
Louisiana hằng năm đánh bắt khoảng 100 triệu pound tôm các loại, chiếm 10% sản lượng thu hoạch tự nhiên của ngư trường cho phép. Nên Mỹ phải nhập cảng tôm tươi từ các nước châu Á. Nhưng các công ty lớn nhỏ tại Mỹ làm tôm khô đều sử dụng tôm tươi vừa mới đánh bắt để bảo đảm phẩm chất tốt nhất. Anh Phillip còn dự định một mặt hàng mới phục vụ khách hàng trong tương lai không xa, đó là mực một nắng. Và còn nhiều dự định ấp ủ khuếch trương thương hiệu làm ăn lớn.
Nói như một đoạn thư bộc bạch của giám đốc Phillip Phạm trên Facebook rằng: “Từ mong muốn có một đặc sản trên quê hương thứ hai tới đồng bào thân yêu của quê hương thứ nhất, Công ty phân phối tôm khô Saki sẽ mang những con tôm khô thơm ngon chỉ có ở vùng Louisiana đến với các anh chị em đồng hương khắp nơi qua thương hiệu “Tôm khô Saki – Made in Louisiana”.

Ngọc Linh
Trần Quang chuyển

Kiễng gót chân: Bài tập mang lại 10 tác dụng chữa bệnh hiệu quả

Kiễng gót chân: Bài tập mang lại 10 tác dụng chữa bệnh hiệu quả

Nam giới bổ thận, dưỡng tinh, nữ giới hết mọi bệnh tật nhờ làm động tác đơn...

Vân Hồng |  01/08/2016 20:40
Kiễng gót chân: Bài tập mang lại 10 tác dụng chữa bệnh hiệu quả

Chuyên gia Đông y cho rằng, kiễng gót chân có thể mang lại lợi ích không hề nhỏ đối với sức khỏe. Chân được xem là "cửa ngõ" của cơ thể, gót chân vững thì người dẻo dai, khỏe mạnh

Kiễng gót chân – động tác nhỏ mang lại lợi ích không hề nhỏ
Nhiều người thường xuyên đi mát-xa chân, xoa bóp chân vì thấy làm như vậy rất thư giãn và dễ chịu. Lâu dần thành thói quen, không làm vậy là sẽ thấy cơ thể mệt mỏi, khó chịu.

Theo các chuyên gia Đông y, vùng bàn chân có rất nhiều huyệt vị, trung tâm thần kinh hoặc "cửa ngõ" đại diện cho một số bộ phận khác trong nội tạng. Kiễng gót chân là một động tác có từ lâu bởi những tác dụng vô cùng lớn đối với sức khỏe. Sau một thời gian dài không ai để ý, bỗng chốc nổi lên thành một phong trào rèn luyện sức khỏe.

Thực ra kiễng chân là động tác không có gì lạ, chúng ta vẫn làm một cách vô thức hàng ngày nhưng theo chuyên gia Đông y, nếu chúng ta làm điều đó một cách "có ý thức" thì tác dụng đối với sức khỏe là vô cùng tuyệt vời.
Bàn chân có các huyệt vị kết nối với các cơ quan nội tạng trong cơ thể (Ảnh minh họa)

Cách thực hiện
Dùng lực kiễng chân cao hết sức có thể, sau đó thả lỏng và hạ xuống. Trọng lực cơ thể dồn vào ngón chân khi kiễng cao. Thực hiện lặp lại khoảng 20-30 cái/lần tập. Mỗi ngày làm được 7 lần như vậy vào thời gian bất kỳ sẽ cảm nhận được tác dụng rất rõ.

Cách này từ lâu cũng được áp dụng trong nhiều bài tập thể dục ở trường học, cơ sở Đông y, vật lý trị liệu, các trung tâm thể dục thể thao nhưng nhiều người không để ý.
Tác dụng cụ thể của động tác kiễng chân đối với sức khỏe

1. Dưỡng thận, dưỡng tinh
Nam giới thường xuyên kiễng chân giúp bổ thận, bài tiết thuận lợi, kèm theo đó sẽ có tác dụng bổ tinh, dưỡng tinh khỏe mạnh.
Phụ nữ kiễng chân và nhảy nhẹ thường xuyên làm tăng khả năng dẻo dai của cơ thể, dưỡng thận, bài tiết thuận lợi.

2. Giảm táo bón, bệnh trĩ
Khi kiễng chân, làm tăng các hoạt động co bóp của hậu môn, giúp bệnh nhân táo bón cải thiện tình trạng bệnh, thông ruột, dạ dày. Người bị bệnh trĩ nên tập thường xuyên để hậu môn làm việc có quy luật, làm giảm bệnh trĩ.
3. Giảm bệnh bí tiểu, tiểu không hết
Theo y học cổ truyền, bệnh liên quan đến tiết niệu, bàng quang và tuyến tiền liệt đa phần xuất phát từ việc khí huyết không lưu thông tốt. Gót chân là điểm đại diện thần kinh điều khiển của bàng quang, khi mát-xa hay kiễng chân có thể giúp cho người bị các bệnh về bài tiết giảm triệu chứng bệnh đáng kể.

4. Làm cho não khỏe mạnh hơn
Căn cứ vào phương pháp định vị ba chiều, vị trí gót chân sẽ tương đương với đại não của con người. Việc kích thích gót chân có tác dụng thúc đẩy tuần hoàn máu não, khí huyết lưu thông tốt hơn.

Trong Đông y, khi trẻ em mắc bệnh não, sẽ được khuyên dùng phương pháp mát-xa chân thường xuyên và coi đó là một biện pháp trị liệu hiệu quả nhằm khôi phục chức năng não bộ.

5. Làm tỉnh não bộ
Người lớn làm việc quá áp lực, học sinh phải học hành nhiều sẽ có cảm giác "bất lực" trí óc giống như muốn làm việc tốt hơn nhưng não không đủ khả năng để đáp ứng. Những lúc như vậy, nếu đứng dậy và kiễng gót chân sẽ giúp bạn tỉnh táo hơn, đánh thức thần kinh não, đầu óc sáng suốt và minh mẫn hơn.
Trên bàn chân chứa rất nhiều huyệt vị quan trọng (Ảnh minh họa)

6. Thư giãn, giúp thần kinh bớt căng thẳng
Khi cuộc sống và công việc có nhịp độ quá nhanh sẽ làm cho các dây thần kinh luôn trong trạng thái căng thẳng, áp lực. Kiễng gót chân vào lúc này giúp bạn giải tỏa căng thẳng, giảm cường độ làm việc của hệ thần kinh. Mát-xa chân sẽ kích thích phản xạ não, tiết kiệm thời gian rất nhiều so với các phương pháp thư giãn khác.

7. Chống trầm cảm
Ngày nay, trầm cảm đã được xem là một loại bệnh nguy hiểm có tỉ lệ người mắc bệnh tăng lên nhanh chóng. Mặc dù trầm cảm không phải là bệnh hiểm nghèo nhưng lại gây phiền toái tới tinh thần và giảm chất lượng sống của người bệnh. Kiễng chân giúp bạn lấy lại tinh thần, bổ sung kịp thời khí huyết lên não, giải tỏa căng thẳng, chống trầm cảm.

8. Ngăn ngừa và điều trị đột quỵ, dưỡng tim
Đột quỵ là căn bệnh phổ biến ở người cao tuổi. Nguyên nhân chính cũng là do thiếu máu lên não, khí huyết lưu thông kém hoặc xuất huyết não. Những người thường xuyên bị chóng mặt, đau đầu nên chú ý kiễng gót chân để tăng cường hiệu quả hồi phục bệnh.

9. Thon gọn cơ thể, làm nhỏ đôi chân
Kiễng chân để duy trì sự thăng bằng cho cơ thể. Khi đẩy trọng lực về phía trước, bắp chân và đùi sẽ được kéo căng và đẩy lên cao, lâu dần sẽ làm cho chân thon gọn, săn chắc. Kiễng chân còn giúp làm mềm các khớp, tăng sự dẻo dai cho hệ xương sống, tiêu hao mỡ giúp cơ thể thon gọn hơn.

10. Lưu thông máu, giảm sưng phù, tê chân
Khi chúng ta phải đứng hoặc ngồi quá lâu trong một tư thế sẽ gây ra chứng mỏi chân, sưng phù hoặc tê chân. Nếu thực hành động tác kiễng chân thì có thể nhanh chóng lưu thông khí huyết và đánh thức hệ thần kinh. Những người tập kiễng chân một thời gian cũng sẽ giảm được bệnh thiếu máu lên não, ngồi xuống đứng dậy đột ngột bị hoa mắt, chóng mặt, ù tai.