Tuesday, January 10, 2017

Chet boi Truug quoc, tiep theo 5

Như vậy điều đầu tiên tất cả chúng ta cần làm khi chúng ta đi mua sắm là phải cẩn thận kiểm tra mọi nhãn mác. Nếu đó là “Made in China”, hãy bỏ nó xuống, trừ phi bạn tuyệt đối và rất vô cùng cần nó và không thể tìm được một món thay thế hợp lý. Và nếu bạn tuyệt đối và rất vô cùng phải có sản phẩm đó, hãy có những biện pháp đề phòng thích hợp.
Phần II
Những Vũ khí Hủy diệt việc làm
4 -Cái chết đối với nền tảng sản xuất Mỹ: Tại sao chúng ta không giải trí (hay làm việc) ở Peoria1 nữa?
Trung Quốc đã trở thành một thế lực tài chính và thương mại trọng yếu. Nhưng, họ không hành xử như các nền kinh tế lớn khác. Thay vào đó, Trung Quốc đi theo chính sách con buôn, cố giữ thặng dư thương mại ở một mức cao giả tạo. Và trong nền kinh tế thế giới bị đình trệ như hôm nay, học thuyết này, nói toạc móng heo ra là, đi ăn cướp.
- Paul Krugman, Nhà Kinh tế học đoạt giải Nobel năm 2008.
Trong thập niên vừa qua, ngồi chễm chệ trên con ngựa thành Troy của tự do thương mại, một Trung Quốc "ăn cướp" đã đánh cắp hàng triệu công ăn việc làm trong lĩnh vực sản xuất và chế tạo ngay trước mũi chúng ta. Nếu lấy lại được số lượng công việc này, thì tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ sẽ thấp hơn con số 5% thay vì gần hai con số như hiện nay, ngân quỹ của chính phủ sẽ được cân bằng, và đất nước ta có thể có một tương lai tươi sáng hơn những gì mà chúng ta hiện nay nhìn thấy. Câu hỏi đặt ra rõ ràng là: Tại sao chúng ta, ở vị thế một quốc gia, lại thể hiện một cách quá thụ động bên cạnh bộ mặt của một trong những kẻ ăn cắp vĩ đại nhất của lịch sử kinh tế thế giới: Có phải Trung Quốc là kẻ cắp của nền tảng sản xuất Mỹ?
Bạn có thể nói rằng "Ô, gượm đã! Trung Quốc đã lấy các công ăn việc làm của người Mỹ một cách công bằng và chính đáng thông qua việc sử dụng lực lượng lao động rẻ tiền và kỷ luật mà". Vâng đúng thế, đây cũng chính là những luận giải vòng vo tam quốc của các nhà biện hộ Trung Quốc, những người thậm chí đã từ chối sự thật về sự tồn tại của các thủ đoạn thương mại bất bình đẳng.
Thật ra, nếu bạn nghiên cứu kỹ về nguồn lực thực sự cho lợi thế cạnh tranh của Trung Quốc, sẽ thấy rất rõ ràng rằng, hơn một nửa lợi thế này đến từ một ma trận phức tạp gồm tám thủ đoạn thương mại bất bình đẳng, mỗi thủ đoạn này được che đậy dưới những định chế thông thường của tự do thương mại. “Tám Vũ khí Hủy diệt việc làm" siêu việt này gồm có:
Mạng lưới tinh vi về trợ cấp xuất khẩu bất hợp pháp.
Một đồng tiền được thao túng khôn ngoan và phá giá thô thiển.
Giả mạo trắng trợn, vi phạm, và cướp công khai kho báu sở hữu trí tuệ của Mỹ.
Chính sách thiển cận khó tin của đảng Cộng sản Trung Quốc, sẵn sàng đánh đổi việc huỷ hoại môi trường, chỉ để kiếm thêm một vài đồng tiền, nhằm đạt được lợi thế về chi phí sản xuất.
Các tiêu chuẩn an toàn và bảo vệ sức khỏe cho công nhân cực kỳ lỏng lẻo, quá thấp so với chuẩn quốc tế, là nguyên nhân gây ra hàng loạt các chứng bệnh về phổi, tàn phế chân tay, và vô vàn các bệnh ung thư không chỉ do tai nạn và rủi ro nghề nghiệp gây ra, mà là hệ quả tất yếu.
Biểu thuế quan phi pháp, hạn ngạch nhập khẩu và những định chế giới hạn đối với xuất khẩu các nguyên vật liệu thô quan trọng, từ antimon tới kẽm2, được thực thi chẳng theo luật lệ nào cả. Việc này được coi như là một thủ đoạn chiến lược, nhằm kiểm soát ngành công nghiệp nặng và luyện kim của cả thế giới.
Định giá ăn cướp và dùng các thủ đoạn “bán phá giá” để loại các đối thủ nước ngoài ra khỏi những thị trường tài nguyên trọng yếu, sau đó lừa gạt và móc túi khách hàng bằng chính sách làm giá độc quyền.
"Vạn Lý Trường Thành Bảo hộ" lững lẫy tiếng tăm, được tạo ra nhằm không cho các đối thủ cạnh tranh nước ngoài thiết lập cơ sở buôn bán và làm ăn trên đất của người Trung Quốc.
Không còn nhầm lẫn gì nữa. Đây chính là những vũ khí kinh tế thực sự với hỏa lực đáng kể. Việc nhất loạt bắn những vũ khí này vào nền tảng sản xuất của Mỹ đã dẫn tới đóng cửa hàng ngàn nhà máy và biến hàng triệu công nhân Mỹ thành những nạn nhân chiến tranh - tất cả đều nằm dưới lá cờ lừa đảo mang tên "tự do thương mại".
Tại sao chẳng có cái gì "tự do" khi nói về tự do thương mại với Trung Quốc
Nếu bạn muốn tìm hiểu cái gì không thuộc về tự do thương mại, thì hãy cố đọc bất kỳ cuốn sách kinh tế nào mà bọn trẻ đang sử dụng trong các trường học hôm nay. Có lẽ đôi mắt của các bạn sẽ trợn ngược, đầu thì lảo đảo quay tròn, và dạ dày thì cuộn lên, bởi vì nội dung của những cuốn sách giáo khoa này quá khác biệt với thực tế của vũ đài thương mại toàn cầu. Điều này cũng giống như việc Gandhi3 đã thế chỗ lý thuyết gia quân sự Clausewitz và Tôn Tử trong các khóa học về chiến lược quân sự.
Thực tế, mặc dù có vô vàng bằng chứng trái ngược, những cuốn giáo trình này vẫn tiếp tục tung hô về những ưu việt của tự do thương mại, và cái mà người ta gọi là "lợi ích của thương mại" mà tất cả chúng ta cần phải được hưởng. Nhưng dưới đây là những gì mà các bộ máy tuyên truyền vô tâm đã không nhận thức được: Về mặt lý thuyết thì tự do thương mại rất tốt, nhưng tự do thương mại lại hiếm khi tồn tại trong thế giới thực. Những điều kiện để có được tự do thương mại như thế không thể tìm thấy trên trái Đất này, cũng như tìm đâu ra điều kiện không có lực ma sát và không khí được giả định bởi các giáo trình vật lý trung học.
Trong trường hợp của Trung Quốc đấu với Mỹ, cái lý thuyết tự do thương mại đầy sức cám dỗ này rất gần với việc "kết hôn": Nó sẽ vô dụng và chết yểu nếu nước này lừa đảo nước kia. Thật vậy, khi mà Trung Quốc “đính hôn” với tám thủ đoạn thương mại bất bình đẳng được mô tả ở chương này, trò chơi "Cả hai cùng có lợi" mà ở đó cả hai quốc gia đều giả định là sẽ cùng thắng, biến nhanh thành trò chơi “Kẻ thắng người thua" mà ở đó có một người thắng lớn, còn người kia thì thua lỗ và suy vong. Theo cách này, "tự do thương mại" giữa con Rồng và chú Sam, đơn giản đã trở thành câu mật mã với nghĩa "Cái chết cho nền tảng sản xuất Hoa Kỳ".
Nếu người Trung Quốc xây dựng nhà máy, việc làm sẽ không đến nước Mỹ !
Tại sao chúng ta lại quan tâm tới việc đánh mất nền tảng sản xuất của Mỹ? Rõ ràng là chúng ta đã từng nghe các học giả uyên thâm như Thomas Friedman của cuốn Thế giới phẳng rằng tương lai phồn thịnh của Mỹ nằm ở việc mở rộng nhanh công ăn việc làm trong lĩnh vực dịch vụ mà? Và những cái đầu biết nói như Fareed Zakaria của tờ Newsweek và thậm chỉ cả James Fallows của tờ Altantic luôn luôn nhắc đi nhắc lại rằng việc chuyển dịch công ăn việc làm trong lĩnh vực sản xuất và chế tạo từ Mỹ và châu Âu tới các nước có thu nhập thấp như Trung Quốc và Ấn Độ là vấn đề không thể tránh được, cũng như việc thủy triều lên và mặt trời lặn. Những điều này mà chúng ta chưa từng nghe hay sao?
Vâng, tất nhiên chúng ta đã bị ép buộc phải nuốt món ăn này. Nhưng các nhà báo như Fallows, Friedman và Zakaria, xin lỗi chơi chữ một chút ở đây, bọn họ đều sai lầm “phẳng” như nhau cả thôi. Những gì mà những học giả tịt ngòi này, cùng với những tác giả đồng hạng và quan điểm như họ, tất cả đều mắc sai lầm ở chỗ, họ đã không nắm vững một trong những nguyên lý căn bản nhất của kinh tế học:
Công nhân người Mỹ có thể cạnh tranh với nhân công ở các nước có thu nhập thấp ở bất kỳ nơi nào trên thế giới, miễn là họ phải hiệu quả và ưu việt hơn - và khi sân chơi tự do thương mại bằng phẳng!
Dưới đây chính là vũ khí và lợi thế cạnh tranh của nhân công Mỹ: sử dụng máy móc cao cấp hơn, công nghệ hiện đại hơn, và áp dụng các quy trình sáng tạo nhằm gia tăng năng suất lao động. Với việc đạt hiệu quả sản xuất cao nhất trên thế giới, các công nhân áo xanh của nền tảng
sản xuất Mỹ đã luôn luôn có thể có được một khoản thu nhập khá, và vì thế họ có thể chu cấp để tạo ra cho chính họ những phiên bản mới của Giấc mơ Mỹ 5.
Tuy nhiên, giấc mơ của công nhân áo xanh Mỹ về hàng rào gỗ sơn mầu trắng và con cái được học hành ở đại học, đã biến thành ảo vọng ác mộng, bởi vì cho dù người Mỹ hôm nay làm việc năng suất thế nào đi nữa, họ không thể tự bảo vệ mình trước “Tám Vũ khí hủy diệt việc làm” của Trung Quốc. Thực tế, trước đây nền công nghiệp sản xuất và chế tạo của Mỹ chiếm 25% GDP, thì hôm nay tỷ lệ này đã bị co lại chỉ còn có 10%.
Không phải là một sự trùng hợp ngẫu nhiên, khi Trung Quốc đã khoét rỗng nền tảng sản xuất của Mỹ một cách có hệ thống, thì nền kinh tế của Trung Quốc đã tăng trưởng ở một con số kinh ngạc là 10% mỗi năm. Ngược lại, trong thập niên vừa qua, mức tăng trưởng của nền kinh tế Mỹ chỉ là 2,4%. Cần phải lưu ý rằng, con số tăng trưởng nhỏ nhoi 2,4% này trong những năm 2000 thấp hơn 25% so với tỷ lệ tăng trưởng 3,2% của giai đoạn từ năm 1946 tới năm 1999.
Bạn có thể nói “việc chỉ giảm có 0,8% về tỷ lệ tăng trưởng GDP hàng năm trong suốt thập niên vừa qua chẳng có khác biệt là bao nhiêu cả”. Nhưng oái oăm là ở chỗ con số khác biệt 0,8%
đây tương đương với việc mất khoảng 1 triệu công ăn việc làm mới mỗi năm, và cứ tích lũy lại, thì chúng ta đã mất hơn 10 triệu việc làm trong thập niên vừa qua. Rõ ràng đây không phải là một sự trùng hợp ngẫu nhiên, nó gần như chính xác với con số công ăn việc làm mà chúng ta cần phải có để có thể vực dậy nền kinh tế Mỹ, với đầy đủ công ăn việc làm và sản xuất ở mức tiềm năng cao nhất có thể đạt tới.
Nếu chúng ta xây dựng cơ sở sản xuất, việc làm sẽ đến nước Mỹ!
Dưới đây là viễn cảnh lớn hơn về nền tảng sản xuất Mỹ: Không chỉ những con số thô về hơn
triệu công ăn việc làm đã bị mất trong thập niên vừa qua khiến cho nền tảng sản xuất và chế tạo trở nên cực kỳ quan trọng đối với kinh tế Mỹ. Một nền tảng sản xuất mạnh mẽ và sôi động luôn đóng một vai trò tối trọng đối với sự phồn vinh lâu dài của quốc gia, bởi vì ít nhất bốn lý do được trình bày dưới đây.
Đầu tiên, các công ăn việc làm trong lĩnh vực sản xuất và chế tạo tạo ra nhiều công việc khác
hạ nguồn hơn là các công việc trong lĩnh vực dịch vụ. Thực ra, cứ mỗi một đô-la của sản phẩm đầu ra từ sản xuất và chế tạo, nước Mỹ sẽ tạo ra khoảng 1,5 đô-la trong các dịch vụ liên quan như xây dựng, tài chính, bán lẻ và vận tải.
Các công việc về sản xuất và chế tạo thường được trả lương cao hơn nhiều so với mức trung bình, nhất là đối với lao động nữ và thiểu số. Sức mua và chi tiêu của nhóm nhân công áo xanh cao cấp này đóng vai trò kích hoạt cốt yếu đối với phần còn lại của nền kinh tế. Không phải tự nhiên khi các nhà máy đóng cửa, các trung tâm mua sắm, cơ sở y tế, khách sạn, và nhà hàng ở bên cạnh nhà máy cũng chết theo. Khi các nhà máy di dời đi nơi khác, doanh thu từ thuế của thành phố và chính quyền bang cũng giảm đi, và công việc cũng như dịch vụ của chính phủ sẽ phải cắt giảm.
Quan trọng hơn cả, một nền tảng sản xuất mạnh mẽ sẽ là mấu chốt để kích thích các cải tiến công nghệ mà nước Mỹ cần phải có để tiếp năng lượng cho nền kinh tế về lâu dài. Sự thật thì các nhà máy sản xuất và chế tạo có cơ sở ở Mỹ đóng góp hai phần ba về nghiên cứu và phát triển tư nhân của Mỹ. Khi những nhà máy sản xuất và chế tạo này chuyển đến Trung Quốc, họ đã mang theo các chi tiêu về nghiên cứu và phát triển – và kéo đi luôn cả năng lực cải tiến của nước Mỹ.
Lý do thứ tư, và cũng là lý do cuối cùng để nước Mỹ cần phải bảo vệ một cách vững chắc nền tảng sản xuất, là cần phải bảo đảm mối quan hệ tối quan trọng giữa các nhà sản xuất lớn như các tập đoàn Boeing, Caterpillar và General Motors, với tất cả công ty liên quan trong chuỗi cung ứng vật tư chế tạo của Mỹ. Giữ các nhà máy của các ngành công nghiệp nặng này ở lại Mỹ là việc quan trọng bởi vì có rất nhiều các công ty lớn nhỏ phụ thuộc vào hoạt động của các nhà máy này.
Ví dụ, những công ty lớn như AC Delco có trụ sở ở Kokomo và Cummins Engines có trụ sở tại Columbus thuộc bang Indiana, đã cung ứng các sản phẩm như phụ tùng xe hơi và động cơ diesel cho các hãng như GM và Ford. Hàng ngàn các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở hàng trăm các thành phố trên nước Mỹ sản xuất và cung ứng các chi tiết và bộ phận đa dụng như các ống cao áp và dây cáp điện, cũng như chế tạo sản phẩm theo đơn đặt hàng như chi tiết nhựa ép bằng máy đùn và các chi tiết gia công chính xác.
Vấn đề ở đây là: Khi các hãng như Dupont hoặc Medtronic chế tạo các sản phẩm của họ ở Trung Quốc, cả hệ thống và công việc làm ăn liên quan tới cung ứng phụ kiện cũng sẽ di chuyển theo. Điều này không chỉ liên quan tới cung ứng hậu cần. Nó còn liên quan tới chính sách bảo hộ: Trung Quốc ép buộc các hãng phương Tây khi thành lập nhà máy trên đất của họ phải sử dụng nguồn lực địa phương, nhằm trợ giúp cho phát triển các nhà cung ứng nội địa. Thực ra, khi phỏng vấn một giám đốc nhà máy cung cấp các linh kiện lắp ráp máy bay của Mỹ ở Thượng Hải, chúng tôi trực tiếp thấy công ty này luôn định kỳ mang các kỹ sư người Mỹ tới Trung Quốc để đào tạo các nhà cung ứng yếu kém của họ nhằm cải tiến chất lượng sản phẩm cho các bộ phận và chi tiết chính xác. Thông qua quá trình này, công ty bản địa có thể thay thế các đối tác Mỹ mà họ đã cùng làm việc trong nhiều năm qua.
Và từ lúc này trở đi, bất cứ khi nào bạn nhìn thấy một công ty lớn như 3M, Cisco, hoặc Ford
thiết lập các nhà máy khác ở Trung Quốc, xin hãy hiểu rằng, việc mất công ăn việc làm không chỉ xảy ra đối với các công ty ra đi. Đúng hơn, ở cái phiên bản “Kinh tế giọt nước lan tỏa”6 của
thế kỷ 21 này, thì những mất mát về công ăn việc làm sẽ len lỏi và lan tỏa tới các cơ sở còn lại của nền tảng sản xuất ở Bắc Mỹ, sau đó sẽ đến tất cả lĩnh vực dịch vụ của chúng ta, và cuối cùng, các trung tâm đầu mối sản xuất và chế tạo một thời sôi động như Warren, bang Ohio, và Windsor, bang Ontario, sẽ trở thành những thị trấn ma.
Từ những lý do này, rõ ràng là, công ăn việc làm trong lĩnh vực sản xuất và chế tạo đóng một vai trò tối quan trọng đối với sự thịnh vượng lâu dài không chỉ ở Mỹ mà còn ở châu Âu và Nhật Bản, cũng như phần còn lại của thế giới. Hiển nhiên, những cú nện búa của Trung Quốc vào nền tảng sản xuất của Mỹ đã làm cho nước Mỹ lâm vào hoàn cảnh khó khăn trong việc tạo ra đủ số công ăn việc làm hòng giảm đáng kể tỷ lệ thất nghiệp. Mặc dù Nhà Trắng đã liều mạng sử dụng gói tài chính khổng lồ để kích thích nền kinh tế mũi nhọn, những dòng người thất nghiệp vẫn tiếp tục kéo dài tới hàng dặm. Thưa ngài Tổng thống, ngài có suy nghĩ tại sao lại có tình trạng như thế không?
Thực ra, lý do là ở đây: Việc cố gắng khởi động nền kinh tế của chúng ta bằng cách sử dụng gói kích thích tài chính khổng lồ trong tình trạng thiếu vắng một nền tảng sản xuất sôi động, thì cũng như là cố gắng khởi động một xe ô tô không có bu-gi đánh lửa hay cố chống trượt với bộ lốp xe đã mòn nhẵn. Điều này không thể thành công được. Buồn hơn là, một phần lớn số tiền kích thích này bị rò rỉ chảy ra khỏi nền kinh tế của chúng ta, và số tiền này được dùng để kích hoạt kinh tế của Quảng Châu và Thượng Hải, chứ không kích hoạt kinh tế của Gary và Pittsburgh. Thực tế thì quan điểm của thuyết kinh tế Keynes về chu kỳ chi tiêu tích cực không thể áp dụng và thành công ở Peoria, khi mà có quá nhiều những thứ chúng ta mua không được chế tạo ở đây, và đồng minh thâm hụt thương mại lớn nhất của chúng ta thì không bao giờ đền đáp lại.
Trung Quốc đã lừa dối như thế nào? Chúng ta hãy liệt kê những cách mà họ đã lừa dối
Bây giờ chúng ta đi sâu và phân tích chi tiết hơn về tám Vũ khí Hủy diệt việc làm của Trung Quốc. Hãy bắt đầu từ mạng lưới tinh vi về trợ cấp xuất khẩu bất hợp pháp.
# 1: Lưỡi hái tử thần của việc trợ cấp xuất khẩu
Nhìn vẻ mặt bề ngoài thì thuật ngữ trợ cấp xuất khẩu có vẻ như là vô thưởng vô phạt. Để hiểu vì sao những việc trợ cấp như thế này lại được coi như là lưỡi hái tử thần hay con dao đâm thẳng vào trái tim của bất kỳ doanh nghiệp Mỹ nào, hãy giả định rằng bạn là một doanh nhân Trung Quốc bắt đầu xây dựng một công ty để tham chiến với các nhà máy đang cạnh tranh với mình ở các bang Ohio, Pennsylvania, Michigan, hay Tennessee.
Để khởi động việc thành lập doanh nghiệp của bạn, chính phủ Trung Quốc sẽ cấp cho bạn đất đai miễn phí, năng lượng được trợ giá, và hầu như không có một giới hạn nào cả đối với việc vay các khoản tài chính lãi suất thấp hoặc không có lãi suất. Và nếu bạn gặp rắc rối, bạn sẽ không phải trả lại các khoản vay này cho chính phủ, bởi chính phủ sở hữu và điều khiển toàn bộ các ngân hàng, và ngoài ra đảng Cộng sản Trung Quốc có quyền bổ nhiệm lãnh đạo của các ngân hàng.
Bây giờ, một khi bạn sẵn sàng cho việc xuất khẩu sản phẩm vào Mỹ, bạn sẽ được hưởng một khoản trợ cấp trực tiếp cho mỗi sản phẩm mà bạn bán được - ở mức từ 10 tới 20 xu cho mỗi đô-la thu được từ bán hàng. Thêm vào đó, khi lợi nhuận bắt đầu được tạo ra, bạn sẽ có đủ tư cách hợp pháp để không phải đóng những khoản thuế thu nhập và thuế bất động sản cao ngất.
Nổi trội nhất trong tất cả các trợ cấp, là việc doanh nghiệp Trung Quốc của bạn sẽ không phải lo lắng gì cả về việc đối thủ cạnh tranh người Mỹ sẽ tấn công bạn ở sân sau. Nếu những doanh nghiệp nước ngoài muốn bán sản phẩm trên thị trường của bạn, họ sẽ bị buộc phải thiết lập các nhà xưởng trên đất Trung Quốc, và hiển nhiên là họ sẽ trở thành đối tác thứ yếu của bạn.
Bây giờ khi bạn thấy những gì mà các doanh nghiệp Mỹ đang phải tự thân vận động để đối mặt với việc trợ cấp xuất khẩu của Trung Quốc, như việc một công ty sản xuất tủ lạnh ở Madison, bang Wisconsin, một công ty sản xuất máy giặt ở Clyde, bang Ohio, hay một công ty chế tạo máy xay sinh tố ở Orem, bang Utah, đã có một quãng thời gian rất khó khăn để cạnh tranh với con Rồng Trung Quốc, thì bạn có hiểu tại sao lại như vậy không ? Và việc một nhà máy chế tạo máy hút bụi ở Palm City, bang Flordida, một công ty chế tạo các công cụ cầm tay ở New Britain, bang Connecticut, hay một công ty chế tạo nôi trẻ em ở Barington, bang New Jersey, đã phải vất vả cực nhọc như thế nào để đứng vững giữa sóng gió trên đại dương toàn cầu của chủ nghĩa con buôn Trung Quốc, thì đối với bạn điều này có ý nghĩa gì không?
Sự thực, việc tồn tại kéo dài liên tục một hệ thống mạng lưới tinh vi về trợ cấp xuất khẩu bất hợp pháp, được biểu hiện như là một trong những bội ước lớn nhất trong lịch sử kinh tế thế giới. Đó là vì khi Trung Quốc tham gia tổ chức Thương mại Thế giới WTO vào năm 2001, họ đã hứa sẽ nhanh chóng loại trừ tất cả các hoạt động trợ cấp bất hợp pháp – cùng với việc họ hứa sẽ loại bỏ mọi hình thức liên quan tới thương mại và mậu dịch bất bình đẳng.
Vâng, thưa ông Trung Quốc Cộng sản, nước Mỹ Dân chủ vẫn còn đợi ông giữ và tôn trọng lời hứa của ông về tự do thương mại. Và, trong khi chúng tôi đang chờ đang đợi, thì các khoản trợ cấp bất hợp pháp khổng lồ của ông vấn tiếp tục giáng một đòn mạnh và công phá ác liệt vào các ngành công nghiệp trọng yếu nhất ở Bắc Mỹ, đó là thép, hóa dầu, giấy, dệt may, bán dẫn, ván ép và máy công cụ. Cái danh sách này dài như những dòng người thất nghiệp ở các thành phố Stockton, bang California; Las Vegas, bang Nevada; Monroe, bang Michigan; và Rockford, bang Illinois.
#2: Cuộc đại chiến mới - Chính sách thao túng tiền tệ của Trung Quốc
Trung Quốc đã can thiệp ở một phạm vi rất lớn nhằm giữ tỷ giá ngoại tệ thấp…Đây chắc chắn là hành động thao túng tiền tệ. Nó cũng như chính sách bảo hộ, và tương tự như việc áp dụng biểu thuế quan thống nhất hay trợ cấp xuất khẩu.
Martin Wolf, tờ Financial Times
Vấn đề thao túng tiền tệ của Trung Quốc rất quan trọng để nhận biết về những bất lợi xảy ra đối với nền tảng sản xuất Mỹ mà chúng ta sẽ dành cả chương tới để bàn luận. Tuy nhiên, trên cơ sở các số liệu tin cậy và dự đoán, cũng đủ để chúng ta kết luận rằng, đồng Nhân dân tệ nói chung đã bị phá giá một cách thô thiển ở mức khoảng 40%.
Cụ thể hơn, điều này có nghĩa là cứ mỗi một đô-la của sản phẩm mà Trung Quốc bán vào thị trường Mỹ, thì các nhà xuất khẩu Trung Quốc chỉ phải bỏ ra một khoản tương đương là 60 xu. Đây là một sự trợ cấp khổng lồ!
Đồng thời, đối với mỗi một đô-la của sản phẩm mà doanh nghiệp Mỹ nỗ lực bán vào Trung Quốc, họ phải tính giá hơn một đô-la. Ngoài mức thuế quan gián tiếp này, doanh nghiệp sản xuất Mỹ khi xuất khẩu sang Trung Quốc sẽ phải đối mặt với một mức thuế trực tiếp là 30%.
Nhận biết được việc thao túng tiền tệ của Trung Quốc có vai trò tương đương với cả trợ cấp và thuế quan, một phần nào đó giải thích rõ tại sao nhà máy chế tạo dụng cụ cắt gọt ở South Easton, bang Massachusetts hay công ty chế tạo dây an toàn ở Corry, bang Pennsylvania, đã phải khó khăn như thế nào để để cạnh tranh với các công ty tương tự của Trung Quốc ở Thẩm Quyến, Quảng Châu và Thành Đô.
#3: Họ nghĩ rằng nếu không bị bắt thì không phải là ăn cắp
Thế thì giờ đây những hậu quả từ các chiêu thức làm giả, ăn cắp bản quyền và vi phạm quyền sở hữu trí tuệ tràn lan của Trung Quốc đối với nền tảng sản xuất và chế tạo của Mỹ là gì? Vâng, dưới đây là minh chứng tội phạm.
Mỗi khi Trung Quốc đánh cắp công nghệ, thiết kế và quy trình sản xuất từ nước Hoa Kỳ tốt bụng, nó cũng hút đi một ít máu từ những mạch máu của nền tảng sản xuất của chúng ta. Đó là vì, khi một công ty Mỹ muốn khám phá ra một loại thuốc điều trị căn bệnh ung thư, chế tạo ra các ô tô tiết kiệm nhiên liệu, hay phát triển các tấm pin năng lượng mặt trời hiệu quả hơn, thì quá trình khám phá này sẽ tiêu tốn cả tiền bạc và thời gian – nói chung là tốn rất nhiều tiền bạc và thời gian. Nếu kẻ cướp hay kẻ lừa đảo Trung Quốc chỉ đơn giản ăn cắp những hoa thơm quả ngọt từ các sáng chế như thế - mà không đề cập tới hay thể hiện sự tôn trọng đối với quyền sở hữu trí tuệ - thì điều này sẽ chuyến hóa thành một lợi thế về chi phí sản xuất thực cho Trung Quốc.
Để nhận biết về phạm vi và mức độ của lợi thế về chi phí nhờ ăn cắp bản quyền mà các doanh nghiệp sản xuất Trung Quốc hưởng lợi, chúng ta nên biết rằng các công ty dược phẩm như Merck và Pfizer thường dành tới 20% thu nhập cho việc nghiên cứu và phát triển sản phẩm, trong khi đó các công ty về công nghệ như Intel và Microsoft dành khoảng 15%, và các công ty chế tạo xe hơi như General Motors và Ford thì chi ra 5% thu nhập của họ. Như vậy, khi các đối thủ cạnh tranh Trung Quốc sản xuất sản phẩm tương tự của Pfizer như Viagra, sao chép thiết kế mạch bán dẫn của Intel, sao chép phi bản quyền hệ điều hành từ Microsoft, hay thâm nhập vào hệ thống máy tính để ăn trộm thiết kế về loại xe hơi hybrid7 từ General Motors, bạn thử đoán xem điều gì sẽ xảy ra? Thực sự, thì kẻ cướp bản quyền Trung Quốc đã có thể giảm chi phí một cách đáng kể cho sản phẩm cạnh tranh của anh ta, bởi vì kẻ ăn cắp tài sản trí tuệ này không phải trả cho bất kỳ một chí phí nào liên quan tới nghiên cứu và phát triển.
Và xin bạn cần phải biết điều này: Kẻ cướp Trung Quốc không bao giờ ăn năn hối cải – từ một người buôn bán nhỏ trên các phố ở Thượng Hải mời chào đĩa DVD lậu của bộ phim Harry Potter với giá 80 xu, tới giám đốc cao cấp của công ty sản xuất ô tô cỡ bự như Chery Automotive Company, đã ăn cắp cả tên và thiết kế từ công ty mang nhãn hiệu Chevy của Mỹ. Việc thiếu lòng hối hận này tồn tại, là bởi vì, hơn một tỷ người Trung Quốc được sinh ra và lớn lên ở một xã hội trống rỗng luân thường đạo lý, ở đó quyền sở hữu tài sản bị chà đạp, mọi thứ đều thuộc sở hữu của nhà nước. Sự lệch lạc đạo đức và luân lý này liên quan trực tiếp tới Chủ tịch Mao và thời kỳ điên rồ của Cách mạng Văn hóa. Chính những lệch lạc phi luân lý này đã đẻ ra một quan niệm gọi là “Làm bất cứ cái gì có thể để đạt được vị thế tốt hơn”. Trong khi thái độ coi thường của việc vi phạm quyền sở hữu trí tuệ của Trung Quốc được các nước hàng xóm châu Á biết rõ, thì các nước phương Tây lại chẳng biết tí gì về nguồn gốc chính trị và văn hóa dẫn tới các hành động phi đạo đức này của Trung Quốc Cộng sản.
#4: Hủy hoại môi trường chỉ vì một vài đồng bạc
Bây giờ chúng ta quay sang vấn đề gây tranh cãi của một trong những Vũ khí Hủy diệt việc làm của Trung Quốc được coi là thiển cận nhất. Điều này liên quan tới việc chính phủ Trung Quốc “Tự bắn vào đầu mình” và sẵn sàng đánh đổi việc hủy hoại môi trường chỉ vì có thể kiếm thêm một vài đồng bạc về lợi thế chi phí sản xuất.
Mặc dù đưa các đạo luật cứng rắn để bảo vệ môi trường vào trong sách giáo khoa, và mặc dù liên tục rao giảng về nhãn mác xanh cho người tiêu dùng phương Tây, nhưng thực tế thì đảng Cộng sản Trung Quốc không tôn trọng và hối lỗi một tí nào đối với những sai lầm của họ, như cách mà họ đang làm với hiến pháp của chính mình, ở đó quyền tự do ngôn luận và tôn giáo được bảo đảm về lý thuyết. Một vị quan chức cao cấp của một trong những nhà máy lớn nhất Trung Quốc, đã nói toạc móng heo với một đồng nghiệp của chúng tôi rằng: “Nếu như anh hoàn thành công việc, thì có thể được thăng quan tiến chức nhanh chóng - chẳng ai quan tâm đến vấn đề môi trường đâu” .
Để biết về việc hủy hoại môi trường tạo lợi thế cho Trung Quốc như thế nào, giả sử đối với một công ty hóa chất Mỹ ở Cincinnati, bang Ohio, cần phải lắp đặt một thiết bị kiểm soát ô nhiễm phức tạp để ngăn chặn việc các chất thải hóa học chảy vào sông Ohio. Hoàn toàn ngược lại, đối thủ cạnh tranh Trung Quốc ở thành phố Trùng Khánh chỉ đơn giản sử dụng ngay sông Dương Tử như một cái nhà vệ sinh để thải bất cứ cái gì mà họ muốn bỏ đi. Như vậy thử đoán xem công ty nào sẽ chiếm thị phần lớn hơn về thị trường hóa chất quốc tế?
Hay giả sử một cơ sở xuất chế tạo giấy của Mỹ ở Waterford, New York, cần phải lắp đặp nồi hơi ít xả khí thải và đắt tiền ở phân xưởng hơi nước, trong khi đó các đối thủ Trung Quốc không làm gì cả. Điều này dẫn tới giấy sản xuất từ Trung Quốc thì nhiều hơn và công ăn việc làm cho người Mỹ thì ít hơn. Và hậu quả là, ngày càng có nhiều người dân Trung Quốc tự hủy hoại bầu không khí của chính mình.
Thực ra, cái mũi nhọn cạnh tranh “ô nhiễm càng nhiều, giá càng rẻ” của Trung Quốc đâm thẳng vào các nhà máy trong lĩnh vực công nghiệp sản xuất và chế tạo ở Mỹ, bởi những nhà máy này luôn phải đối mặt với chí phí cao nhất về tuân thủ môi trường. Chẳng hạn các công ty như Dow Chemical và U.S. Steel chi phí gấp 10 lần cho việc bảo vệ môi trường so với các đối thủ Trung Quốc như Sinopec Oil và Bao Steel.
Việc Trung Quốc đã hủy hoại môi trường để gia tăng và đẩy mạnh xuất khẩu được minh chứng rất rõ ở dữ kiện trần trụi sau đây: Trong khoảng ba thập kỷ ngắn ngủi để Trung Quốc nổi lên như một công xưởng của thế giới, Trung Quốc cũng đã được biết tới với hai nét đặc thù, đó là: “Quốc gia ô nhiểm nhất hành tinh” và “Quốc gia đóng góp nhiều nhất vào biến đổi khí hậu”. Và điều này dẫn tới việc không chỉ các nhân công người Mỹ chịu tác động. Dân chúng Trung Quốc cũng đã phải trả một cái giá quá cao, thể hiện ở việc gia tăng khủng khiếp về bệnh nhân ung thư, nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não, bệnh về đường hô hấp và da liễu.
Hoàn cảnh khốn khổ của “các cư dân không phải loài người” cũng là thước đo về cấp độ của vấn đề liên quan tới ô nhiễm môi trường sống. Bất kỳ những ai viếng thăm Trung Quốc sẽ nhận thấy rằng cả ở nông thôn và thành thị hầu như vắng bóng chim muông. Những mùa xuân, hạ, thu, đông yên lặng trong một bức tranh phong cảnh nhiễm độc của Trung Quốc.
To be continued.

No comments:

Post a Comment