Thursday, September 7, 2017

Tánh Không – John Blofeld

Theo dòng lịch sử tất cả các tôn giáo lớn đều tiến hóa, biến đổi để trở thành ngày càng đa dạng và cũng có thể là phức tạp hơn, Phật Giáo không phải là một ngoại lệ.

Tánh KhôngJohn Blofeld
Hoang Phong chuyển ngữ




Lời giới thiệu của người dịch:


Theo dòng lịch sử tất cả các tôn giáo lớn đều tiến hóa, biến đổi để trở thành ngày càng đa dạng và cũng có thể là phức tạp hơn, Phật Giáo không phải là một ngoại lệ. Tuy nhiên cũng nên lưu ý là Giáo Huấn hay Đạo Pháp của Đức Phật – còn gọi là Dhamma (tiếng Pa-li) hay Dharma (tiếng Phạn) – từ nguyên thủy không hẳn là một “tôn giáo” mang ý nghĩa như ngày nay. Dù sao thì trong quá trình phát triển Đạo Pháp cũng đã uyển chuyển biến đổi để thích ứng với các dân tộc và các nền văn hóa khác nhau cũng như với trí “thông minh” và những “xúc cảm” của con người, và từ đó đã làm phát sinh ra nhiều tông phái và học phái mang ít nhiều tính cách “thiêng liêng” và “thần bí” gần với một “tôn giáo” hơn. Trong nhiều trường hợp thì một số hình thức lễ lạc và các nghi thức màu mè phản ảnh từ các “tín ngưỡng” dân gian còn được ghép thêm vào Đạo Pháp.

Nếu các phương pháp tu tập, song song với sự hình thành của các tông phái và học phái, ngày càng trở nên phong phú và đa dạng thì một số khái niệm và giáo lý căn bản trong Đạo Pháp theo đó cũng đã được triển khai sâu rộng hơn và đồng thời cũng đã được suy diễn với ít nhiều khác biệt. Nếu khái niệm về tánh không được Đức Phật nêu lên như một phép luyện tập chính xác, cụ thể và thực dụng, như đã được thuyết giảng trong hai bài kinh Culasunnata-sutta và Mahasunnata-sutta, thì tánh không cũng đã được các tông phái và học phái sau này triển khai sâu rộng hơn bằng nhiều cách diễn đạt phức tạp hơn. Tiêu biểu nhất cho các cách giải thích “mới” về tánh không là bộ kinh đồ sộ Prajnaparamita-sutra, dịch âm là”Kinh Bát Nhã Ba La Mật Đa”, có nghĩa là “Kinh về sự hiểu biết Siêu Nhiên”, và còn được gọi vắn tắt là Tâm Kinh.

Theo truyền thuyết thì chính Đức Phật đã thuyết giảng Kinh này vào lần chuyển Pháp Luân thứ hai trên đỉnh Linh Thứu ở Vương Xá Thành (Rajagrha), và chỉ dành riêng cho các vị tỳ kheo, a-la-hán và bồ-tát nào hội đủ khả năng lĩnh hội. Theo Kinh Hoa Sen (Diệu Pháp Liên Hoa Kinh / Saddharmapundarika-sutra) thì phần lớn các vị này đã bỏ ra về trước khi buổi thuyết giảng chấm dứt vì họ vô cùng kinh hoảng bởi không hiểu gì cả khi nghe giảng về tánh không, chỉ có một số các vị đệ tử cao thâm của Đức Phật là còn lưu lại cho đến hết buổi giảng.

Theo Phật Giáo Ấn Độ và Tây Tạng thì các đệ tử của Đức Phật thời bấy giờ tuy đã được hấp thụ giáo huấn trong lần chuyển Pháp Luân thứ nhất thế nhưng vẫn chưa hội đủ khả năng để có thể lĩnh hội được giáo huấn trong lần chuyển Pháp Luân thứ hai trên đây. Vì thế giáo huấn này – tức là bộ Kinh Bát Nhã Ba La Mật Đa – đã được giao phó cho các vị thánh nhân gìn giữ và sẽ chỉ được đưa ra đúng vào các thời điểm thích nghi sau này. Một phiên bản gồm 100.000 tiết được giao cho Long Xà (Naga) gìn giữ, một phiên bản 25.000 tiết được giao cho con người gìn giữ, một phiên bản 10.000 tiết do các thiên nhân (deva) gìn giữ, một phiên bản 8.000 tiết do một vị Hộ Pháp là Bắc Phương Thiên Vương (Vaisravana) gìn giữ. Cách biện bạch này cũng có thể chỉ là để giải thích về sự xuất hiện muộn của Kinh Bát Nhã.

Theo lịch sử và qua công trình nghiên cứu của các học giả Tây Phương thì một phiên bản của bộ kinh này gồm 8.000 tiết bằng tiếng Phạn đã được liên tục trước tác trong khoảng thời gian từ năm 50 trước Tây Lịch đến năm 150 sau Tây Lịch. Sau đó lại thấy xuất hiện một phiên bản khác mới hơn và cũng dài hơn, và được trước tác trong khoảng thời gian từ thế kỷ thứ II đến thứ IV. Các phiên bản ngắn tóm lược bộ kinh này lại còn xuất hiện muộn hơn nữa, tức trong khoảng thời gian từ thế kỷ thứ IV đến thứ VII.

Trong khoảng thời gian hình thành thật dài ấy của bộ Kinh Bát Nhã người ta nhận thấy có hai sự kiện lớn đã xảy ra. Trước hết vào khoảng thế kỷ thứ II có một vị đại sư là Long Thụ (Nagarjuna) đã trước tác nhiều tập luận nhằm triển khai và bình giải về tánh không nêu lên trong Kinh Bát Nhã, và vị này cũng đã thành lập một tông phái mới là Trung Quán Tông. Tập Trung Quán Luận Tụng(Madhyamakakarika) và tập Thất Thập Không Tín Luận (Sunyatasaptati) của ông trình bày và bình giải về tánh không là hai tập luận căn bản nhất của tông phái này. Sự kiện thứ hai xảy ra vào thế kỷ thứ IV, khi một vị đại sư của Trung Quán Tông là Vô Trước (Asanga) trước tác tập Hiện Quán Trang Nghiêm Luận(Abhisamayalankara) nêu lên con đường của người Bồ-tát dựa theo Kinh Bát Nhã, thế nhưng lại đưa ra một cách giải thích mới hơn về tánh không và đồng thời vị này cũng đã thành lập thêm một tông phái mới nữa là Duy Thức Tông. Sau đó quan điểm về tánh không của hai tông phái này lại được các vị đại sư khác tiếp tục triển khai và giải thích thêm suốt trên dòng phát triển của lịch sử Phật Giáo.

Sở dĩ nhắc đến một vài chi tiết như trên đây là để cho thấy khái niệm về tánh không do Đức Phật nêu lên qua các kinh sách “nguyên thủy” bằng tiếng Pa-li đã được liên tiếp triển khai sau đó và đã trở nên vô cùng phức tạp, đa dạng, đồng thời lại mang ít nhiều tính cách trừu tượng và bao quát hơn. Bài viết ngắn của John Blofeld được chuyển ngữ dưới đây sẽ giúp chúng ta hình dung ra phần nào các cách mô tả tánh không trên đây của Đại Thừa Phật Giáo nói chung.

John Blofeld (1913-1987) là một Phật Tử người Anh và cũng là một học giả Phật Giáo uyên bác, đã sống phần lớn cuộc đời mình tại các nước Á Châu như Trung Quốc, Mông Cổ, Tây Tạng, Thái Lan… Ông đã từng tiếp xúc và học hỏi với rất nhiều vị thầy lỗi lạc tại khắp các quốc gia này, và cũng đã qua đời tại Thái Lan. John Blofeld viết bài dưới đây vào thập niên 1960 và bài này đã được bà Odette Germain dịch sang tiếng Pháp và đưa lên một trang web Phật Giáo khá uy tín là Buddhaline (_http://www.buddhaline.net/La-Vacuite,109).

Trong bài viết đôi khi tác giả cũng nêu thêm một vài ghi chú (được đặt trong hai dấu ngoặc) nhằm giải thích thêm một số sự kiện do chính tác giả đưa ra. Người dịch cũng mạn phép góp thêm một vài lời ghi chú khác với hy vọng có thể giúp người đọc dễ theo dõi bản gốc hơn. Các lời ghi chú này cũng được đặt trong hai dấu ngoặc nhưng bằng chữ nghiêng. Sau phần chuyển ngữ cũng có thêm một vài lời ghi chú mang tính cách tổng quát hơn của người dịch về bài viết này của John Blofeld.

***
Nếu căn cứ vào sự lý luận logique (sự hữu lý) thì sẽ không thể có bất cứ một thứ gì vừa trống-không lại vừa không-trống-không được, tuy nhiên ngược lại thì bắt buộc chúng ta phải chấp nhận có một thứ gì đó có thể mang hai thể dạng khác nhau. Phật Giáo đưa ra khái niệm về tánh không hầu giúp chúng ta hình dung ra, hay đúng hơn là cảm nhận được, thể dạng phi-nhị-nguyên (non-duality) và đấy cũng chính là cốt tủy của tánh không (nhị-nguyên là tính cách đối nghịch giữa chủ thể và đối tượng, tức là giữa người quan sát và đối tượng được quan sát, dù đối tượng ấy là một vật thể hay một sự kiện thuộc ngoại cảnh hay là các tư duy và xúc cảm bên trong tâm thức. Thể dạng phi-nhị-nguyên là một thể dạng cảm nhận của tâm thức khi nó đã loại bỏ được sự đối nghịch giữa chủ thể và đối tượng. Thật ra thì đây cũng là cách định nghĩa đặc thù của Duy Thức Học về tánh không).

Tánh không (tiếng Phạn là sunyata) là cả một sự huyền bí lớn lao, và có thể xem đây là khái niệm nòng cốt của toàn bộ giáo huấn Đại Thừa. Thật thế, tánh không đã từng là đề tài cho không biết bao nhiêu tập luận giải. Các bài Kinh cũng đầy ắp những câu gợi ý về tánh không.

Thế nhưng tương tự như tất cả những đối tượng cảm nhận mang tính cách mầu nhiệm khác, tánh không là một khái niệm mà ta không thể nào mô tả hay định nghĩa được bằng ngôn từ. Thật thế, gần như hầu hết những gì có thể nói ra được đều không mang một giá trị nào cả (đấy chỉ là những quy ước để hiểu ngầm với nhau). Chỉ có một số thật hiếm hoi các nhà thông thái Tây Phương đã tỏ cho thấy là họ có thể hiểu được (trên mặt lý thuyết) ý nghĩa của tánh không là gì. Ngay cả trong các quốc gia Phật Giáo, chỉ trừ một số thật hiếm hoi các nhà thần bí (tức là các vị tu hành cao thâm) là đã từng trực diện được với tánh không trong những lúc họ lắng sâu vào thiền định, ngoài ra thì cũng không có mấy ai đạt được một ý niệm nào về tánh không với ít nhiều chính xác. Đối với số người ít ỏi này nếu họ đã từng đạt được sự hiểu biết phần nào về tánh không thì đấy cũng là nhờ vào khả năng trực giác bẩm sinh của họ, phối hợp thêm với một số kiến thức uyên bác mà họ đã từng học hỏi được từ Kinh Sách (Sutra).

Riêng đối với trường hợp của tôi thì còn lâu tôi mới có thể theo kịp được các vị tu hành thần bí, vì thế khi viết lên những dòng này để nói về họ thì đấy cũng chỉ đơn thuần là những sự phỏng đoán mà thôi. Tuy nhiên cũng có hai lý do đã khiến tôi đánh liều chấp nhận mọi sự rủi ro có thể bị sai lầm. Lý do thứ nhất là nhờ vào một số vốn liếng hiểu biết dù còn thật ít ỏi mà tôi đã góp nhặt được qua các vị thầy Trung Quốc và Tây Tạng đã từng truyền dạy cho tôi, và thật ra thì các sự hiểu biết ấy cũng chỉ giúp tôi vạch ra một vài đường hướng suy tư nhằm mang lại một vài ý nghĩa nào đó dù còn thiếu sót về những gì mà kinh sách muốn trình bày khi đề cập đến tánh không.

Lý do thứ hai khiến tôi phải nói lên là vì tôi nghĩ rằng có một số người Tây Phương đã sai lầm khi họ kết án Phật Giáo là yếm thế, tuy nhiên tôi vẫn tin rằng đấy chẳng qua là vì họ đã nhầm lẫn giữa “tánh không” và sự “trống không” giản dị và đơn thuần (tức là không hàm chứa gì cả) – với một ý nghĩa tiêu cực phản ảnh thể dạng hư vô – và cũng chính vì thế nên họ đã cho rằng niết-bàn đồng nghĩa với sự tắt nghỉ (và đấy là một sự xúc phạm đến những người Phật Giáo) (đây có thể là một phản ứng vô tình vì sai lầm không hiểu được Phật Giáo một cách đúng đắn, nhưng cũng có thể là hậu ý của một số học giả và của một vài vị tu hành thuộc một vài tín ngưỡng lâu đời của Tây Phương nhằm chống lại Phật Giáo bằng cách bôi nhọ Phật Giáo chủ trương hư vô, khi tôn giáo này đặt chân vào thế giới Tây Phương vào thế kỷ XIX. Đấy cũng là lý do thúc đẩy tác giả đã mạnh dạn viết lên bài này để bênh vực cho Phật Giáo. Cũng xin nhắc thêm là tác giả đã viết bài này cách nay nửa thế kỷ, và ngày nay thì tình hình đã khác hơn xưa nhiều).

Dù sao tôi cũng không thể khẳng định được rằng tôi đã hoàn toàn thấu triệt đúng những gì các vị thầy tôi đã giảng dạy cho tôi và những gì tôi đã học hỏi được trong Kinh Sách, và hơn nữa trong những lúc thiền định thì tôi cũng chưa bao giờ tiếp cận được với tánh không. Vì thế thiết nghĩ [người đọc] cũng nên giữ một phong cách thận trọng nào đó về những gì tôi viết ra nơi đây, vì đấy cũng chẳng khác gì những điều mà một người mù suy đoán ra nhờ vào một người cận thị mô tả cho mình.

Bài Tâm Kinh ngắn (tức là bản kinh Bát Nhã Ba La Mật Đa tóm lược chỉ gồm vài mươi câu) mà hàng triệu người Phật Giáo Đại Thừa trì tụng hằng ngày bằng tiếng Hán, tiếng Tây Tạng hay tiếng Phạn (có nghĩa là các Phật Tử khắp nơi ở Á Châu tụng niệm hằng ngày) hàm chứa một câu thật chủ yếu, đấy là câu nêu lên thật rõ ràng rằng:

“Hình tướng là tánh không và tánh không là hình tướng; hình tướng không khác với tánh không và tánh không cũng không khác với hình tướng”.

Mặc dù ý nghĩa thâm sâu và đích thật của câu này có thể không được diễn tả một cách thật minh bạch đi nữa, thế nhưng nó cũng đủ để nêu lên cho ta thấy là tánh không là một thứ gì đó hoàn toàn không phải là một thể dạng hư vô đơn thuần. Các lời bình giải thường thấy [từ trước đến nay] về ý nghĩa của câu này không hề có một sự phân tách chính đáng nào giữa sự tuyệt đối và tương đối, giữa hiện thực và những biểu hiện bên ngoài của các hiện tượng, giữa cội nguồn và vũ trụ (chẳng hạn như “người sáng tạo” và những gì đã “được sáng tạo”).

Nếu cho rằng không có một sự hiện hữu nào có thể độc lập và mang tính cách tự tại được (tức phải nhờ vào hiện tượng tương liên và tương tạo mà có) thì sẽ chẳng có bất cứ gì là thật cả, đấy chẳng qua là những hiện tượng mang tính cách tạm thời (bởi vì mỗi hiện tượng cũng chỉ là một sự kết hợp của hàng triệu hiện tượng khác và các hiện tượng này thì cũng phù du hơn cả chính nó): thế nhưng tất cả lại hiện ra rất thật. Tóm lại nếu hiểu đấy chỉ là những biểu hiện của sự hiện hữu [nói chung] và không hề mang một thuộc tính [cá biệt] nào thì chúng cũng sẽ chỉ là những thứ gì đó không thể nào nắm bắt được (tức có nghĩa là không thể định nghĩa hay quy định chúng một cách rõ rệt và cố định được, bởi vì chúng luôn chuyển động, hiện ra rồi mất đi, sự chuyển động đó – còn gọi là vô thường – chỉ là biểu hiện bên ngoài và tạm thời của hiện thực).

Chúng ta hãy thử nêu lên một thí dụ thật thô thiển, chẳng hạn như các gợn sóng trên mặt biển: chúng không hề mang tính cách trường tồn, cũng không hề hàm chứa một sự hiện hữu nào, mà luôn biến đổi trong từng khoảnh khắc một, chúng hoà lẫn vào nhau và biến mất ngay sau đó – thế nhưng có ai dám bảo rằng không có một thành phần nào của các gợn sóng sẽ còn tiếp tục hiện hữu, khi mà biển cả vẫn còn đấy? Sự so sánh trên đây không phải là không có kẽ hở, bởi vì một gợn sóng dù xảy ra vào một thời điểm nào thì nó vẫn chỉ là biển cả, dù không phải là toàn bộ biển cả thế nhưng cũng là thành phần của biển cả. Trong khi đó nếu nói đến tánh không thì sẽ chẳng có gì liên hệ với bất cứ một thứ gì nằm trong sự chi phối của các quy luật liên quan đến không gian (một gợn sóng lệ thuộc vào biển, thế nhưng tánh không thì không liên quan gì đến không gian, dù đấy là không gian “trống không”) vì thế dù chỉ là một hạt “vi thể” thế nhưng nó vẫn có thể biểu trưng cho sự toàn diện (“một chút” tánh không hay “toàn thể” tánh không thì cũng chỉ là “tánh không”, “một chút” hiện thực cũng là toàn bộ “hiện thực”, một “hạt cát” cũng là toàn thể “vũ trụ”, các hiện tượng cũng chỉ là những biểu hiện bên ngoài và tạm thời của một sự “hiện hữu” chung).

Chính vì thế mà những người Trung Quốc (nên hiểu là các vị đại thiền sư Trung Quốc trong quá khứ) thường chọn cách so sánh hình ảnh mặt trời phản chiếu trong nước chứa trong các chậu, bình, hay ao hồ khác nhau. Huai-Hai (Huệ Hải – còn gọi là Đại Châu Huệ Hải – một vị đại thiền sư Trung Quốc, 720-814) có nói rằng: mỗi chậu, bình hay ao hồ đều chứa đựng một mặt trời (mặt trời phản ảnh trong nước), mỗi [hình ảnh] mặt trời ấy đều nguyên vẹn và giống [như đúc] với mặt trời trên không trung…, thế nhưng mặt trời trên không trung lại không hề bị sứt mẻ (giảm bớt đi) một chút nào”.
Vị thiền sư nói lên câu trên đây cũng đã từng đề cập đến sự Giác Ngộ và xem đấy như là “sự thực hiện được thực thể của hình tướng và cả tánh không” (quán nhận được bản chất của hình tướng và cả của tánh không chính là sự Giác Ngộ). Thế nhưng trong một đoạn khác thì vị này cũng lại cho biết là có hai thứ tánh không khác nhau: một thứ liên hệ đến những gì “không-tánh-không” và một thứ khác là “tánh-không-tối-hậu” vượt lên trên tính cách nhị nguyên giữa tánh-không và không-tánh-không (non-vacuité / non-emptiness).

Thật hết sức hiển nhiên: tánh không mà một vị thần bí (một người tu tập cao thâm) nhận biết truớc hết qua kinh nghiệm cảm nhận của mình là thứ tánh không thứ nhất trong hai thứ tánh không trên đây (tức là thể dạng không-tánh-không), bởi vì vị này đã đạt được tánh không đó bằng một thể dạng tri thức “thông thường” tức là thể dạng thường xuyên chi phối bởi “không-tánh-không” (tức là thể dạng tri thức nhận biết được hình tướng hay những biểu hiện bên ngoài của mọi hiện tượng, nói cách khác là một thể dạng tri thức luôn hiện ra chủ thể và đối tượng), và sau khi đã thực hiện được những kinh nghiệm cảm nhận thần bí (giúp mình cảm nhận được “tánh-không-tối-hậu”) thì vị ấy mong đợi sẽ có thể tìm trở lại được thể dạng trước đó (tức là thể dạng không-tánh-không do tri thức “thông thường” cảm nhận được trong giai đoạn trước khi cảm nhận được tánh không đích thật) Vậy làm thế nào vị ấy có thể tránh khỏi không so sánh thể dạng tánh-không (tối hậu đạt được bằng thiền định) với thể dạng không-tánh-không xảy ra trước đó vẫn còn tiếp tục theo đuổi vị ấy? Dù sao nếu kinh nghiệm cảm nhận của vị ấy đủ sâu xa thì vị ấy cũng có thể vượt lên trên cả sự thiền định của mình để đạt được một thể dạng thật cao siêu mang lại một niềm tin tuyệt đối rằng tánh-không và không-tánh-không không phải là một sự [hiển hiện] luân phiên (chuyển tiếp từ thể dạng này sang thể dạng khác), bởi vì cả hai thể dạng ấy chẳng những cùng kết chặt với nhau mà còn hoàn toàn giống hệt như nhau (cách biện luận của John Blofeld thật tinh tế, giúp chúng ta liên tưởng đến tính cách “Đa Dạng” và “Nhất Nguyên” hay “Hình Tướng” và “Tánh Không” của hiện thực, tất cả những thứ này cũng chỉ biểu trưng cho hiện thực đơn thuần và bất khả phân, không phải là một sự hoán chuyển từ thể dạng này sang thể dạng khác).

[Thế nhưng] chính ở điểm ấy tính cách logique đã phản bội lại chúng ta. Nếu căn cứ trên phép lý luận logique thì không thể nào lại có thể có sự trống-không và không-trống-không trong cùng một lúc được, nếu không thì trên một khía cạnh nào đó phải chấp nhận có một thứ gì đó có hai thể dạng khác nhau. Người Tây Phương thường được rèn luyện theo cách lý luận logique, vì thế nên họ rất dễ bị rơi vào tình trạng hiểu biết mang tính cách nhị-nguyên nhiều hay ít. Dù cho họ có sẵn sàng chấp nhận trên phương diện trừu tượng là sự trống-không và không-trống-không thật sự chỉ là một thứ như nhau đi nữa, thế nhưng nền giáo dục mang nặng tính cách logique mà họ được thừa hưởng đã tạo ra nhiều gò bó trong sự suy nghĩ khiến cho họ khó tránh khỏi phải hình dung ra hai thể dạng khác nhau của hiện thực – đấy là tánh-không và không-tánh-không – và dù nếu chúng có tách rời nhau thì đấy cũng chỉ có tính cách tạm thời và chỉ ở vào một mức độ nào đó mà thôi.

Một người Á Đông bình thường cũng vẫn có thể gặp phải các khó khăn này, bởi vì kinh nghiệm cảm nhận của người này trong thể dạng “thần bí” (tức đạt được tánh không bằng thiền định) khác với kinh nghiệm cảm nhận của mình trong thể dạng “thông thường” (tức cảm nhận được thể dạng không-trống-không): thế nhưng người này nhờ vào khả năng suy luận ít bị nhào nặn bởi nguyên tắc logique của người Tây Phương hơn nên cũng sẽ có thể chấp nhận dễ dàng hơn rằng sự trống-không và không-trống-không, trên phương diện tri thức, cũng chỉ là một thứ như nhau và cùng hiện hữu chung với nhau: nhờ đó đến khi luyện tập để thực hiện sự cảm nhận thần bí về tính cách nhất nguyên của hai thể dạng (trống-không và không-trống không) thì người này cũng sẽ gặp ít khó khăn hơn.

Người ta có thể bảo rằng Huệ Hải, vị thiền sư mà tôi đã nói đến trên đây, cũng đã rơi vào sự sai lầm nhị nguyên khi vị này cho rằng có hai thứ trống-không: thế nhưng tôi vẫn tin rằng trường hợp của Huệ Hải không giống như như trường hợp của các người khác, bởi vì không thể nào có thể nghĩ rằng vị ấy lại có thể phạm vào một lỗi lầm quá ư thô thiển đến thế (tuy nhiên biết đâu ông ta cũng có thể là một nạn nhân của sự sai lầm đó?). Dù sao thì cũng thật hết sức rõ ràng khi Huệ Hải nêu lên sự phân biệt ấy (tức là có hai thứ tánh không) thì đấy cũng chỉ là một hình thức chủ quan nào đó: bởi vì tánh-không chỉ tương kết với không-tánh-không trong tâm thức của những người hội đủ khả năng hoán chuyển được cả hai thể dạng là: thể dạng tri thức nhận thức được tất cả là không-tánh-không và thể dạng tri thức nhận thức được tất cả là tánh-không, thế nhưng cùng một thứ tánh-không ấy dưới thể dạng đích thật của nó (tức là tánh không đúng nghĩa hay đích thật) thì nó luôn độc lập với phương cách mà nó được cảm nhận (như là một đối tượng) cũng như đối với người đã cảm nhận được nó (như là một chủ thể), và lúc nào nó cũng vượt lên trên mọi sự phân biệt giữa “trống-không” và “không-trống-không” (câu này có nghĩa là tánh-không và không-tánh-không do Huệ Hải nêu lên chỉ mang tính cách chủ quan trong tâm thức ông, tánh không đích thật vượt lên trên cả hai thể dạng này).

Dù chỉ hiểu được giáo lý về tánh không một cách thật mơ hồ đi nữa – chỉ cần không hiểu sai là được! – thì cũng đủ để giúp chúng ta không đánh giá Phật Giáo như một tín ngưỡng yếm thế (có nghĩa là Phật Giáo không hề chủ trương hư vô). Làm thế nào mà cái chết và sự tắt nghỉ lại có thể khiến gây ra một sự đau buồn khi mà tuyệt nhiên chẳng có bất cứ một thứ gì [hiện hữu thật sự] để mà chết hay bị hủy diệt?

Cho đến khi nào chúng ta vẫn khăng khăng tin rằng chúng ta thực sự là những thực thể mang tính cách cá biệt, đang gánh chịu sự sinh, sự tăng trưởng, sự suy thoái và cái chết, thì khi đó chúng ta cũng sẽ có đầy đủ lý do để mà rơi nước mắt. Thế nhưng khi nào mọi sự bất thần hiện ra một cách minh bạch (nhờ vào các phương pháp thiền định đúng đắn) rằng “tôi” không phải là “tôi”, và tri thức của mỗi cá thể thật ra không hề mang một tính cách cá thể nào cả, và đồng thời thì nó cũng tự nhận diện được mình là một thể dạng tri thức rạng ngời, hiện hữu một cách độc lập, không đối tượng (không mang một chủ đích nào), và chính nó cũng chỉ là sự hiện hữu chung của toàn thể vũ trụ – không sinh, không tử, không hề được sáng tạo (incréé / uncreated / không hề được tạo dựng, tức hàm ý là không hề được sáng tạo bởi một vị tối cao nào cả) cũng không hề bị hủy diệt – thì khi đó cá thể ấy cũng sẽ có thể cười vào mặt ý nghĩ về cái chết, dù đấy là cái chết của mình hay của bất cứ một người nào khác.

Dù sao thì cũng phải chấp nhận rằng cũng có nhiều người bám víu vào sự sống này, tất nhiên là một sự sống mang đầy những thứ bất toại nguyện, và đồng thời tin vào thực thể của “cái tôi” của chính họ, khăng khăng đến độ có thể nói rằng ý nghĩ sẽ bị biến mất vào cõi vô tận (chết) không đáng cho họ quan tâm bằng chính niềm tin vào sự hiện hữu mang tính cách cá thể này (tức cái tôi) của họ (đang có), và họ chỉ ước mong sao cho sự hiện hữu này (cái tôi của họ đang có) phải trường tồn dù là dưới hình thức này hay hình thức khác, chỉ cần một điều kiện duy nhất là phải vĩnh viễn mà thôi (có nghĩa là họ chỉ muốn được sống mãi không bao giờ chết, dù dưới thể dạng linh hồn hay vong linh, dù trong thế giới này hay một cõi nào khác cũng được. Chỉ khi nào phải đối đầu với những trường hợp tuyệt vọng và không còn chủ động được tâm thức của mình nữa thì khi đó mới nảy ra ý định “muốn” tự tử cho rồi. Đối với những người luôn bám víu như thế sẽ rất khó cho họ có thể hiểu được tánh không là gì).

Hãy cứ cho rằng ngay trong lúc này [nếu] chúng ta đang hiện hữu với tư cách là những cá thể [cá biệt], thì tất nhiên chúng ta sẽ phải lo sợ vì đặc tính cá thể ấy cũng sẽ bị mất đi vào một lúc nào đó (chết) và vì thế cũng sẽ khó cho chúng ta tránh khỏi lo âu: thế nhưng đối với một nhà thần bí (tức một người tu tập) cao thâm thì người này sẽ hiểu rằng qua kinh nghiệm cảm nhận sống thực của mình (tức là khi đã đạt được tánh không) thì không hề có một nhân dạng mang tính cách cá thể (individuality) nào hiện hữu cả, do đó ý nghĩ bị mất đi đặc tính cá thể (hay nhân dạng, hay cái tôi) của mình cũng sẽ hoàn toàn không hàm chứa một ý nghĩa nào cả. Tất cả những gì mà chúng ta có thể bị mất đi – trong kiếp sống này hay trong kiếp sống tương lai – ấy chỉ là các thứ ảo giác vô nghĩa phát sinh từ sự mong muốn được hiện hữu dưới những hình thức cá thể (“cái tôi” hay cái “của tôi”). Nếu hiểu rằng các thứ ảo giác ấy chính là nguyên nhân tạo ra đủ mọi thứ bất toại nguyện cũng như hầu hết các nỗi khổ đau trong cuộc sống, thì còn có niềm hạnh phúc nào có thể to lớn hơn khi đánh mất nó!

Nếu tôi phải đưa bài viết ngắn này cho một trong số các vị thầy Tây Tạng hay Trung Quốc của tôi xem thì biết đâu vị này cũng sẽ có thể bảo tôi rằng:

“Hãy xé bỏ nó đi! Đấy chỉ là những thứ biện luận triết học làm mất thì giờ vô ích cho mi và cho cả người khác, toàn là những thứ luận bàn vô ích về những gì mà Kinh Sách gọi là tánh không! Hàng chục pho sách bàn về chủ đề ấy cũng không giúp cho mi hay cho người khác đạt được một sự hiểu biết đúng đắn hơn. Cái tánh không ấy hiện đang nằm trong tâm thức của chính mi đấy và cả trong cùng khắp mọi nơi. Điều cần làm là phải cảm nhận được nó. Hãy chấm dứt ngay cái trò viết lách và tìm tòi trong sách vở, và phải trực tiếp tìm cách thực hiện sự cảm nhận ấy ngay đi”.

Tôi nghĩ rằng khi nêu lên lời khuyên này tất sẽ khiến cho nhiều người phải mỉm cười: bởi vì ngay cả những vị thầy uyên bác nhất cũng đều phải đi đến chỗ cần phải viết ra hay nói ra – dù chỉ vừa đủ để giúp cho các đệ tử của mình ý thức được là có một kho tàng cần phải khám phá nếu không thì tất sẽ khó để giúp cho họ tránh khỏi tình trạng đánh mất hết năm tháng của đời mình mà không hề nghĩ đến việc phải tìm kiếm cho bằng được cái kho tàng ấy.

Tuy nhiên phải nói rằng chưa bao giờ tôi được nghe thấy bất cứ một vị thầy nào của tôi tự nhận rằng mình có thể định nghĩa được tánh không là gì (tất nhiên là như thế, bởi vì đấy chỉ là một kinh nghiệm cảm nhận trong tận cùng của tâm thức họ, cái cảm nhận ấy không thể mô tả bằng lời được). Họ chỉ quan tâm duy nhất đến trọng trách phải làm thế nào để có thể đưa ra các phép luyện tập giúp cho bất cứ một người đệ tử nào nếu cần mẫn cũng đều có thể tự mình khám phá ra tánh không bằng cách vượt thoát khỏi những ranh giới chật hẹp của sự lý luận logique, luôn bị vướng mắc trong mọi thứ khái niệm và nguyên tắc nhị nguyên, hầu giúp cho họ hòa nhập vào bầu không gian vô biên của sự cảm nhận đơn thuần.

Các phương pháp luyện tập của người Tây Tạng nhằm giúp mang lại sự cảm nhận trên đây thật hết sức đa dạng. Sự đa dạng ấy là một cách thích nghi với các loại chướng ngại (ngăn chận việc luyện tập) cũng rất đa dạng. Các chướng ngại này sở dĩ rất đa dạng là vì trí thông minh, các khả năng bẩm sinh cũng như kinh nghiệm của các người tu tập rất khác biệt nhau. Tuy nhiên hầu hết các phương pháp trên đây đều có một căn bản khá giống nhau, đấy là cách chuẩn bị cho tâm thức vươn lên nhờ vào phép thiền định dựa vào cách thường xuyên trì tụng câu kinh man-tra (chữ man- có gốc từ chữ Phạn manas, có nghĩ là “tâm thức”; chữ -tra có gốc từ chữ Phạn traya, có nghĩa lả “bảo vệ” hay “che chở”. Các câu man-tra là các câu trì tụng mang tính cách thiêng liêng của Kim Cương Thừa – còn gọi là Tan-tra Thừa – nhằm che chở tâm thức của người tu tập) mang ý nghĩa như sau: “tánh không là bản chất của tất cả mọi thứ dharma (tất cả mọi đối tượng, khái niệm, v.v…) (nói một cách tổng quát hơn là tất cả mọi hiện tượng) và chính tôi thì tôi cũng chỉ là bản chất ấy của tánh không”.

Cách lập đi lập lại thường xuyên câu man-tra trên đây sẽ mang lại một sức mạnh thật lớn – đủ để có thể giúp loại bỏ được các chướng ngại hiện ra trong cuộc sống của những ai chỉ biết nhìn vào thế giới hiện tượng qua những biểu hiện bên ngoài (tức là những thể dạng biến động và vô thường) của nó. Hầu hết các phương pháp trên đây còn đưa ra một phép luyện tập thiền định khác nữa, đấy là cách nhìn vào các biểu đồ để quán tưởng. Một loạt nhiều loại biểu đồ được chọn sẵn để người tu tập quán nhìn vào đấy, càng quán nhìn thường xuyên và càng quán thấy các biểu đồ ấy minh bạch hơn thì hiệu quả mang lại sẽ càng nhiều hơn. Các biểu đồ này sẽ tuần tự hòa nhập vào nhau và sau đó sẽ hòa nhập với chính người hành thiền, và người hành thiền thì cũng hướng vào các biểu đồ ấy để hòa nhập với chúng. Quá trình hòa nhập và thu hẹp tuần tự ấy (các biểu đồ hòa nhập vào nhau và người hành thiền cũng hòa nhập vào đấy và tất cả thu nhỏ dần) tiếp diễn cho đến khi nào chỉ còn lại một điểm bé tí xíu và sau cùng thì chính điểm này cũng sẽ tan biến vào tánh không. Tất nhiên là quá trình trên đây không phải dễ thực hiện nếu người tu tập chưa hội đủ khả năng để chủ động thật cao độ tâm thức mình. Tuy nhiên trong giai đoạn đầu khi mới luyện tập thì cũng chỉ cần đạt được một chút kết quả thật nhỏ cũng đủ để giúp người tu tập suy đoán ra những gì sẽ còn phải thực hiện thêm sau này.

Tất nhiên tất cả mọi sự nhận biết được tánh không dù bằng cách trực tiếp (quán nhận bằng thiền định) hay gián tiếp (bằng cách học hỏi) cũng đều mang lại lợi ích. Nếu một người tu tập dựa vào kinh nghiệm của chính mình (thiền định) quán nhận được tất cả mọi sự vật (tất nhiên trong đó gồm có cả cái tôi của chính mình) đều vô thường và chỉ có một giá trị tương đối thì người ấy cũng sẽ loại bỏ được mọi sự bám víu vào các thứ hình tướng (bên ngoài) và các ý nghĩ (bên trong tâm thức) vì chúng chỉ là trống không. Đấy cũng là điều kiện sơ đẳng và tiên quyết nhất góp phần mang lại mọi sự thăng tiến tâm linh sau này. Người ấy sẽ cảm thấy mình được giải thoát khỏi những gì chi phối và trói buộc mình. Cách nhìn của người ấy về tất cả mọi sự vật trong cuộc sống cũng sẽ theo đó mà hoàn toàn thay đổi hết. Mọi sự tham lam, thèm muốn, ích kỷ, lo buồn, sợ hãi sẽ không còn có thể kiềm tỏa và trói buộc người ấy được nữa: bởi vì khi đã vượt thoát khỏi mọi chướng ngại thì người ấy sẽ thanh thản bước vào con đường hướng đến Giác Ngộ.

Đề cập đến chủ đề tiếp cận với tánh không cũng chính là một cách nêu lên các kinh nghiệm cảm nhận thuộc vào một lãnh vực vô cùng thiêng liêng, chẳng qua là vì tánh không có thể ví như chất liệu (matrice / matrix / chất liệu hay khuôn đúc) kiến tạo ra sự hiện hữu, là khuôn mẫu của hiện thực tối hậu, nơi đó quá khứ và tương lai, những gì thật gần hay thật xa, sự Nhất Thể hay Đa Dạng…, tất cả đều bị loại bỏ, không còn bất cứ gì tồn lưu để có thể ngăn chận những tia sáng rạng ngời của Sự Thật.
Ở cấp bậc hiện tại chúng ta vẫn còn trông thấy tính cách Nhất Nguyên xuyên qua khía cạnh Đa Dạng (nhìn thấy các hiện tượng Đa Dạng và hình dung ra hay suy ra tính cách Nhất Nguyên của chúng), thế nhưng vào một cấp bậc cao hơn (khi tánh không đã giảm xuống) (tức là khi đã thăng tiến trong việc luyện tập thiền định thì sẽ nhìn thấy sự biến động và ảo giác của mọi hiện tượng giảm bớt và lắng xuống) thì chúng ta sẽ thấy được sự Đa Dạng dưới khía cạnh Nhất Nguyên (trông thấy tất cả mọi hiện tượng đều nhất thể). Khi nào mục đích đã hoàn toàn đạt được thì cả hai khía cạnh ấy (tức là Đa Dạng và Nhất Nguyên) sẽ hiện ra dưới thể dạng vô tận của chúng, một thể dạng vượt lên trên mọi sự phân biệt (không phải là Đa Dạng mà cũng chẳng phải là Nhất Nguyên) – một thể dạng thật kỳ diệu và thánh thiện vượt khỏi mọi ngôn từ và tư duy (tức có nghĩa là đạt được Tánh Không Tối Thượng hay sự Giác Ngộ).



Vài lời ghi chú của người dịch
Điểm đáng chú ý trước nhất trong bài viết của John Blofeld trên đây là ông đã xác nhận rằng chính ông cũng “chưa bao giờ tiếp cận được với tánh không” Điều này cũng dễ hiểu, bởi vì khi nào chúng ta vẫn còn hướng vào tánh không như một đối tượng để tìm hiểu nó, để tiếp cận với nó thì khi đó chúng ta cũng sẽ chẳng bao giờ thành công được, bởi vì chúng ta vẫn còn vướng mắc trong thể dạng nhị nguyên. Dù sao thì sự thú nhận trên đây của tác giả cũng đã chứng tỏ ông là một người thành thật và đồng thời cũng cho thấy một sự mâu thuẫn nào đó của ông đối với những gì ông trình bày về tánh không trong phần cuối của bài viết.


Ngoài ra ông cũng nhận thấy rằng trong số các vị tu hành thâm sâu và cả các vị thầy uyên bác của ông, không có một vị nào tự nhận mình “có thể giải thích được tánh không là gì, mà họ chỉ cố gắng tìm mọi cách để đưa ra các phép luyện tập giúp các môn đệ của họ tự thực hiện cái tánh không ấy cho chính mình”. Thật thế, đối với những người đã từng thực hiện được tánh không thì họ cũng không thể nào tìm được các ngôn từ thích nghi để mô tả nó. Tánh không thật ra chỉ là một kinh nghiệm cảm nhận thật bao la và sâu kín, tỏa rộng trong tâm thức vô biên của mỗi cá thể. Do đó không thể nào có một ngôn từ quy ước, công thức và cụ thể nào có thể giúp để hình dung ra được nó.

Điểm đáng chú ý thứ hai là tác giả đã nêu lên sự khác biệt giữa hai nền giáo dục Tây Phương và Á Đông và cho rằng một người Tây Phương vì chịu ảnh hưởng nặng nề của sự suy luận logique đặc thù của Phương Tây nên đã gặp nhiều khó khăn hơn khi phải vượt qua tính cách nhị nguyên – tức là phải loại bỏ được chủ thể và đối tượng – để có thể quán nhận được tính cách nhất nguyên của hiện thực. Thật ra thì giáo dục nói chung không hẳn – hay ít ra cũng không phải là nguyên nhân duy nhất – mang lại những khó khăn ấy, bởi vì khả năng quán thấy và lĩnh hội của mỗi cá thể còn tùy thuộc vào khả năng suy nghĩ trừu tượng và sự suy luận liên kết với thật nhiều dữ kiện trong cùng một lúc. Nếu nhìn xa hơn nữa thì cũng sẽ thấy rằng các khả năng này còn tùy thuộc vào nghiệp sẵn có của mỗi cá thể.

Điểm đáng chú ý thứ ba là tác giả đã nhấn mạnh đến tính cách “siêu nhiên” và “thần bí” của tánh không, và đồng thời ông cũng đã nhìn vào các vị tu hành thâm sâu và các vị thầy uyên bác của ông như là những vị “thần bí”. Thật thế, từ nguyên thủy nếu Đạo Pháp của Đức Phật càng mang tính cách thực dụng, minh bạch và chính xác bao nhiêu thì sau này trên dòng tiến hóa lịch sử và song song với sự hình thành của Phật Giáo Đại Thừa, lại càng biến đổi bấy nhiêu để rồi mang thêm một vài nét “thiêng liêng” và “trừu tượng” nào đó. Khái niệm về tánh không tất nhiên cũng không tránh khỏi trường hợp này, tức có nghĩa là từ nguyên thủy tánh không là một đối tượng cho việc thiền định và là một phương tiện giúp đạt được sự giải thoát, thì nay lại chuyển thành bản chất của mọi hiện tượng trong vũ trụ và trong tâm thức của mỗi con người. Hơn nữa, Đạo Pháp của Đức Phật – từ nguyên thủy được gọi là Dharma – cũng đã biến đổi dần để trở thành một tôn giáo.

Trong Bài Kinh ngắn về Tánh Không (Culasunnata-sutta) giảng về tánh không, Đức Phật đã nêu lên bảy giai đoạn thiền định, từ các cấp bậc thô thiển thăng tiến dần lên thể dạng tánh không tối thượng. Bảy giai đoạn này như sau:

– cảm nhận gian nhà, ngôi làng và khu rừng, tất cả đều vắng lặng và trống không
– cảm nhận mặt đất bằng phẳng, không núi đồi, sông ngòi, cây cỏ
– cảm nhận bầu không gian vô tận và trống không
– cảm nhận sự tỏa rộng của tri thức vô biên trong tâm thức của người hành thiền
– cảm nhận sự vắng lặng và trống không của hư vô
– cảm nhận sự kiện không cảm nhận của chính mình
– cảm-nhận-không-cảm-nhận hay thực hiện được “tánh không tối thượng không có gì vượt hơn được”

Trong giai đoạn tột cùng tức là cấp bập thứ bảy, Đức Phật chỉ nói đấy là “tánh không tối thượng” nhưng không mô tả nó là gì. Sau một đêm thiền định dưới cội Bồ-đề, Đức Phật đạt được Giác Ngộ, thế nhưng Ngài cũng không mô tả sự Giác Ngộ ấy là gì mà chỉ phân vân tự hỏi con người bình dị của thời bấy giờ có đủ sức để thấu triệt được sự khám phá ấy của Ngài hay không?

Thật vậy cái “tánh không tối thượng” ấy không thể nào có thể mô tả hay giải thích một cách trung thực bằng các ngôn từ quy ước được. Nếu như Đức Phật cứ nói ra thì biết đâu chẳng những không ai hiểu được mà còn có thể mang lại cho người nghe đủ mọi thứ nghi ngờ đưa đến sự tranh cãi. Chẳng phải là Kinh Hoa Sen đã từng thuật lại là một số đông đảo các đệ tử và thánh chúng đã bỏ ra về khi họ không hiểu được những lời giảng của Đức Phật trên đỉnh Linh Thứu hay sao? Trí thông minh và các ảnh hưởng từ giáo dục, văn hóa, cũng như các tác động của xung năng và tác ý chi phối bởi nghiệp, luôn vận hành trong tâm thức của mỗi cá thể sẽ không cho phép họ hiểu được – hay ít ra là không hiểu giống nhau – “tánh không tối thượng” mà Đức Phật đã khám phá ra. Khi thắc mắc phát sinh thì hoang mang tất sẽ chi phối, và sự tranh biện cũng sẽ khó tránh khỏi, và biết đâu do đó Đạo Pháp cũng có thể đã mai một từ lâu chăng?

Sự yên lặng của Đức Phật và tính cách thiêng liêng trong Giáo Huấn của Ngài chính là chiều sâu và sức sống của Đạo Pháp giúp Đạo Pháp luôn trường tồn và sinh động. Nói thế không có nghĩa là phủ nhận mọi cố gắng của Đại Thừa, bởi vì các nỗ lực nhằm tìm hiểu, giải thích cũng như các phương pháp “cụ thể hóa” tánh không của các tông phái và học phái Đại Thừa qua hơn hai ngàn năm cũng đã góp phần không nhỏ giúp cho Đạo Pháp trở nên phong phú hơn.

Tuy nhiên một đôi lần Đức Phật cũng đã từng nói với các đệ tử thật thân cận của Ngài là Xá-lợi-phất và A-nan-đà rằng Ngài luôn thường trú và trải qua cuộc đời mình trong cõi tánh không. Điều này cho thấy rằng tánh không không hề hủy hoại sự hiện hữu, trí sáng suốt và nỗ lực phi thường của một con ngưòi, và nhất là không hề biến một cá thể trở thành hư vô. Tánh không chỉ xóa bỏ những gì ô nhiễm của những thứ hư cấu phát sinh từ các xung năng của một cá thể.

“Tánh không tinh khiết và tối thượng” ấy không hề thụ động mà đúng hơn rất tích cực. Nó xóa bỏ tất cả mọi hiện tượng trong thế giới, mọi xung năng thúc đẩy thế giới phải chuyển động. Nó xóa bỏ mọi hình tướng trên thân xác, dù đấy là những hình tướng xinh đẹp hay thô kệch, duyên dáng hay vụng về, béo phì hay gầy gò. Nó xóa bỏ các vết thương, bệnh tật, mùi hôi, lông tóc, đờm dãi, phèo phổi, màng nhầy, mủ máu, nước mắt và cả những nụ cười bật lên hăng hắc, ngớ ngẩn, hồn nhiên hay vui tươi. Nó xóa bỏ cả những hành động hung hăng hay thân ái, những ngôn từ ti tiện, lừa phỉnh, độc ác, bịa đặt hay dịu dàng, nhân hậu, hòa nhã và tràn ngập yêu thương. Nó xóa bỏ ngũ giác và mọi cảm nhận như thích thú, ghét bỏ và mọi thứ cảm tính toại nguyện, bất toại nguyện hay trung hòa, luôn tìm cách khơi động và thúc dục sự thèm muốn và ghét bỏ của bản năng. Nó xóa bỏ mọi xung năng, tư duy và tác ý, mọi đau buồn, khổ nhọc, hận thù, vui sướng, hân hoan, yêu thương, hờn giận, tiếc nuối. Nó xóa bỏ những ý đồ đen tối, những mưu mô biển lận và cả những ý nghĩ nhân hậu, chân thật và từ bi.

Tóm lại tánh không xóa bỏ cả cái tốt lẫn cái xấu, tất cả các hình tướng và những sự chuyển động của chúng trong thế giới kể cả năm thứ ngũ uẩn của một cá thể. Nó tẩy sạch mọi thứ ô nhiễm trên dòng chảy liên tục của tri thức, không có một vết hằn nào của nghiệp có thể còn tồn lưu, không còn một tác ý nào được sinh ra, không còn một sự tạo dựng nào được hình thành. Dòng tri thức đó tuy vẫn tiếp tục luân lưu, thế nhưng thật tinh khiết, nhẹ nhàng và trong suốt, trong hơn cả không gian vô tận, nhẹ hơn cả hư vô, tinh khiết hơn cả tánh không, bởi vì cái tri thức đó đã trở thành chính “tánh-không” của “tánh-không”.

Khi dòng tri thức đã trở thành “tánh-không-của-tánh-không” hay nói cách khác là đã được thay thế bởi thể dạng “tánh không tối thượng không có gì vượt hơn được” do chính Đức Phật nêu lên trong một bài kinh thật ngắn là Culasunnata-sutta, thì cũng sẽ không còn bất cứ một chút tồn dư nào để có thể giúp ý thức được tính cách Đa Dạng hay Nhất Nguyên của mọi hiện tượng, hay để cảm nhận được thế nào là Phật Tính, Bản Thể của Phật, Như Lai Tạng, Hiện Thực, Chân như, Thực Tại, Niết Bàn, Tánh Không… và kể cả Tánh-Không-của-Tánh-Không, bởi vì tất cả các thuật ngữ ấy cũng chỉ đơn giản là những tên gọi mà thôi.

Tuy nhiên phía sau tất cả những thứ ấy và bên trong cái “tánh-không-của-tánh-không” ấy dường như vẫn còn lưu lại một nụ cười, một nụ cười thật trầm lặng của một Vị Phật đã ngồi yên hơn hai mươi lăm thế kỷ trên dòng luân lưu của tâm thức của mỗi chúng ta để chờ đợi chính chúng ta hôm nay.
Bures-Sur-Yvette, 01.11.12
Hoang Phong chuyển ngữ
_http://www.phatam.org/

Wednesday, September 6, 2017

Hậu Quả Của Việc Hoa Kỳ Bỏ Rơi Đông Dương
Author: Giáo su Robert F. TurnerSource: Dòng Sông Cũ Posted on: 2017-09-06
Giáo sư Robert F. Turner Trung tâm an Ninh Luật Pháp Quốc Gia Đại Học Luật Khoa Virginia & Học Viện Hải Quân.
(Trích trong “những sự thật về Chiến Tranh Việt Nam)
ôi là một sinh viên trong số tương đối ít ỏi đã thực tin rằng việc chống Cộng sản xâm lược là việc đúng của Hoa kỳ ở Việt Nam, Lào, Cambodia là đúng.
Tôi lần đầu đến Việt Nam trong một giai đoạn ngắn khi là phóng viên năm 1968, rồi quay về đi lính, bắt đầu chức vụ Trung úy rồi sau lên Đại úy rồi trở lại đó hai lần làm việc tại một bộ phận của toà Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, là Văn phòng Nghiên cứu về Bắc Việt và Việt Cộng. Tôi có cơ hội được đi tới nhiều địa phận tại Việt nam, khoảng 44 tỉnh thành, có chỗ chỉ đi ngang qua. Tôi được qua Lào, Cambodia. Sau khi giải ngũ tôi gia nhập Hoover Institution, tôi đã viết cuốn sử quan trọng đầu tiên bằng tiếng Mỹ về “Cộng sản Việt Nam”
. Trong hơn hai chục năm, tôi đã có nhiều khóa giảng dạy tại viện Đại học Virginia về Chiến tranh Việt Nam. Vì thời giờ có hạn, tôi phải nói ngắn, nhưng trước khi đề cập tới chủ điểm của bải thuyết trình, tôi xin có thêm một lời cảnh báo, nhất là với các khán thính giả trẻ tuổi.
Rằng đa số lập luận “sáng suốt phổ biến” của người Mỹ về Chiến tranh Việt Nam thật ra lại không đúng. Rất đáng tiếc rằng điều ấy có nghĩa là đa số những gì được giảng dạy tại cấp trung và đại học lại gần với thần thoại hơn là lịch sử. Tôi chi xin đơn cử hai thí dụ, hai thí dụ quan trọng:
1- Ngày nay, chúng ta được nghe rằng cuộc chiến Việt Nam là “bất khả thắng”. Chúng ta đứng sai chỗ. Tôi xin được góp tiếng bên cạnh nhiều sử gia thuộc loại xuất sắc nhất ngày nay khi nêu lập luận ngược rằng chúng ta không chỉ hy vọng thắng mà thực tế đã thắng vào đầu thập niên 1970. (Và khi nói “chúng ta”, tôi không nghĩ rằng đấy là Quân lực Hoa Kỳ mà là nỗ lực chung của hai quân đội miền Nam Việt Nam và Hoa Kỳ cùng với người dân miền Nam).
2- Chuyện gì đã xảy ra? Khi tôi tuyên bố là có thể thắng. Tôi xin đưa câu nói của người bạn thân Douglas Pike: ông Douglas Pike đã quá vãng, người mà tôi hoán đổi công vụ nhiều lần trong Sứ quán Hoa Kỳ, ông Pike nói rằng: Tôi tin rằng chúng tôi có thể đã thắng cuộc chiến Việt Nam. Tôi tin rằng trong tương lai lịch sử sẽ nói rằng chúng ta đã thắng. Đó là sự thật.
Một số thí dụ sau đây sẽ chứng minh.
Có một bài viết trong báo Foreign Affairs năm 2004 do Giáo sư John Lewis Gaddis Khoa trưởng Americạn Diplomatic Historians nói rằng: Các sử gia hiện tại công nhận rằng miền Nam Việt Nam và đồng minh đã thắng cuộc chiến quân sự. Nhưng lại thua cuộc chiến tâm lý tại Mỹ. Tôi xin nhắc lại cho quý vị trẻ biết sau khi bị bỏ bom tơi bời, Hà Nội vội vã trở lại đàm phán tại Paris. Và mọi chuyện êm xuôi nếu chúng ta dùng máy bay B52 để trấn giữ hiệp định.
Nhưng quốc hội với áp lực của “Phong trào Hòa Bình” đã thông qua dự luật vào tháng năm 1973. Sẽ là bất hợp pháp nếu Tổng Thống sử dụng bất cứ đồng nào trong công quỹ cho cuộc chiến tại Việt Nam, Lào và Cambodia. Làm như vậy, Quốc hội đã chuyển thắng thành bại. Quốc hội phản bội lời cam kết lịch sử của Hoa Kỳ là bảo vệ các nước không Cộng sản tại Đông Dương. Lúc ấy tôi làm việc tại Thượng nghị viện, nghị sĩ Ted Kennedy tuyên bố rằng “Việt Nam không cần giúp đỡ, họ đã có lượng vũ khí trị giá vô số triệu đô la”. Đó là sự thật. Việt Nam có phi cơ trực thăng, xe tăng Hoa Kỳ. Nhưng cái mà họ không biết là, Việt Nam không có đạn, không có xăng. không có phụ tùng. Đống đồ đó trở nên vô dụng. Đây là câu chuyện tôi chưa bao giờ kể cho ai nghe. Ngay sau khi sơ tán từ Việt Nam về tới Mỹ, tôi gặp Nghị sĩ Ted Kennedy tại Thượng Nghị Viện. Đó là lần đầu tiên tôi gặp ông ấy khi trở về Mỹ.
Ted Kennedy
Ông ấy đứng cách tôi khoảng 3 mét. Tôi cung tay phải lên và tự nhủ: “mình phải cho nó biết tay, phải đấm gục hắn ta và nói chothế giới biết rằng chúng tôi vừa mới phản bội chính danh dự của mình và bỏ rơi những người đáng yêu.”
Nhưng tôi đã tự cản bản thân mình vì làm vậy sẽ ảnh hưởng đến cương vị Nghị sĩ của tôi và Ted Kennedy sẽ trở thành người hùng. Không phải là việc làm đúng đắn nhưng đôi lúc tôi nghĩ là mình đã bỏ rơi cơ hội ấy.
Sau khi Quốc Hội cắt hết viện trợ cho Việt Nam, Trung cộng gia tăng viện trợ cho Hà Nội. Phạm Văn Đồng nói rằng: “Được cho kẹo tụi nó cũng không dám quay lại”. Đó là lý do của sự thất bại tại chiến trường Việt Nam.
Quân nhân Mỹ, QLVNCH, và miền Nam Việt Nam không bị bại trận, mà thua vì cái gọi là “tự do” của Quốc hội Hoa Kỳ.
Điềm thứ 2 tôi muốn đưa lên là: Việt Nam rất quan trọng. Họ cho rằng Chiến tranh Việt Nam là cuộc chiến “phi lý” tiến hành không lý do chính đáng, do hiểu lầm về vụ đụng độ không đáng kể ở Vịnh Bắc Bộ. Thật sự là ngớ ngẩn.
Tôi đã viết 450 trang trình bày trong luận án đạt giải danh dự năm 1966. Tôi đã ghi lại vào tháng Năm 1975 đảng Lao động của Cộng sản Việt Nam đã quyết định từ Tháng Năm năm 1959 là mở ra đường mòn Hổ Chí Minh và gửi vào Nam nhiều ngàn lính và vô số chiến cụ với mục đích lật đổ chính phủ trong Nam. Đây là hành động xâm lược quốc tế và vi phạm Hiên chương Liên hiệp quốc. Hoa Kỳ tham chiền để giúp người dân miền Nam tự vệ vì cùng một lý do như việc chúng ta tham chiến tại Cao Ly, nhằm bảo vệ tự do của con người và thực thi việc chống xâm lược đã được ghi trong Hiến chương Liên hiệp quốc.
Trong cuốn sách “Cộng sản Việt Nam” xuất bản năm 1975, Hà Nội đã nhiều lần xác nhận sự thực đó từ Tháng Năm năm 1959 ngay ngày sinh nhật Hồ Chí Minh. 10 năm trước, chúng tôi đã thảo luận tại Đại học Luật Virginia về vấn đề hợp pháp này. Luật quốc tế và Hiến chương Liên hiệp. Không thể thảo luận nổi vì Hà Nội lập luận rằng đó là nội chiến trong miền Nam VN v.v… hãy bỏ qua 1 số điểm vì thời gian có hạn.
Tôi nêu lên hậu quả của việc bỏ rơi VN.
Tôi có thể nói hoài về việc người Mỹ bỏ rơi Việt Nam. Tôi là người đứng ngay trong trận khi Quốc Hội biểu quyết không giúp đỡ Angola vì sự xâm lăng của Xô Viết. Kết quả nạn nhân bị tử vong ở đấy được ước lượng là không dưới trăm ngàn người.
Đến việc Liên Xô xâm chiếm Afghanistan khiến cả triệu người chết. Sẽ không xảy ra nếu chúng ta không rút lui.
Và lần đầu tiên trong sáu chục năm, Moscow bảo với tay sai của họ ở Mỹ châu La Tinh rằng tiến hành “đấu tranh võ trang” để cướp chính quyền thì cũng được, từ đấy mới xảy ra nội chiến tại El Salvador, Nicaragua, Honduras, Guatemala, Costa Rica và các nước khác trong vùng. Vô số người lại thiệt mạng vì chuyện đó. Một số lớn súng M16 tịch thu được từ quân phiến loạn El Salvador, căn cứ theo số xê ri là súng bỏ lại tại chiến tranh VN của quân đội Mỹ. Hà Nội đã cung cấp cùng với Xô Viết qua đường Cuba rồi đưa lậu qua El Salvador.
Cho những người nói chiến tranh VN là phi lý. Họ đã sai.
Nhưng hôm nay tôi không muốn tập trung về các vấn đề dù rất quan trọng là địa dư chiến lược. Tôi muốn nói về hậu quả của quyết đinh của Hoa Kỳ đối với con người. “Phong trào hòa bình” – của phe phản chiến – trấn an chúng ta rằng Hoa Kỳ chỉ cần rút quân và chấm dứt chiến tranh thì mình sẽ phát huy “nhân quyền” và “ngăn nạn tàn sát”. Tôi rất ngại nói về những gì xảy ra tại Việt Nam sau khi Hoa Kỳ triệt thoái, vì trong hội trường này và tại khu “Little Sàigon” có nhiều người đã trực tiếp nếm mùi và biết rõ hơn những gì mà mọi “học giả” Mỹ có thể muốn biết. Nhưng có một số sự thật thì đã rõ ràng.
Hãy trước tiên nói về nhân quyền. Tháng Tư năm 1975, khi sự chiến thắng của Cộng sản đã thành hiển nhiên cho mọi người, Đệ nhất Bí thư đảng Lao Động là Lê Duẩn đã tuyên bố rằng: sau khi “giải phóng” Miền Nam, chúng ta sẽ biến nhà tù thành trường học”. Tới Tháng 10 năm 1978, nhật báo Times đầy uy tín tại Luân Đôn đã báo cáo sự thật: Cộng sản Việt Nam đã biến nhà trường và cô nhi viện thành nhà tù vì họ có quá nhiều tù nhân.


Cọng Sản đã biến trường học thành nhà tù
Điều 11 của Hiệp định Paris ký kết năm 1973 cấm “mọi hành vi trả thù hay kỳ thị các cá nhân hay tổ chức đã hợp tác với một phe bên này hay bên kia”, và còn rõ ràng bảo đảm quyền tự do báo chí, tôn giáo, tự do sinh hoạt chính trị và một loạt những quyền thiêng liêng khác. Vậy mà Tháng Năm năm 1977, tờ Quân đội Nhân dân công khai thông báo “triệt để cấm mọi hành vi chống lại chế độ và tước hết mọi quyền tự do của những kẻ không tin vào xã hội chủ nghĩa”. Bài báo tuyên bố: “Với bọn phản cách mạng… nhân dân ta dứt khoát xoá bỏ quyền tự do ngôn luận và trừng phạt đích đáng”.
Sau đó, một dân biểu duy nhất của Quốc hội Việt Nam Cộng Hòa được phép tham gia cái gọi là “Quốc hội Thống nhất” đã tuyên bố: Chế độ mới cai tri bằng bạo lực và khủng bố. Không có tự do di chuyển hay lập hội; không có tự do báo chí hay tự do tôn giáo hay… cả quyền tự do có ý kiến riêng… Sự sợ hãi tràn ngập khắp nơi”
QUYỀN TỰ DO BÁO CHÍ
Tháng Chín năm 1970, Trưởng phòng Sài Gòn của tờ Christian Science Monitor là Daniel Sutherland- ông bạn của tôi vào thời ấy – có viết một bài dài về “quyền tự do báo chí” trong Nam. Ông viết: “Dưới bộ luật báo chí mới, Miền Nam bây giờ có một nền báo chí thuộc loại tự do nhất Đông Nam Á…”. Tôi tin chắc rằng mình không là người duy nhất trong hội trường này có thề xác nhận điều ấy. Riêng Sài Gòn thì đã có hơn ba chục tờ báo, và nhiều tờ trong số đó kịch liệt chống chính phủ.
Dĩ nhiên là để thu thập dữ kiện về quyền tụ do ấy, tôi thường cầm máy ảnh lang thang trong Sài Gòn vào những chiều Chủ Nhật được nghỉ. Tôi thấy bày bán công khai những quyển sách như “Chiến tranh Nhân dân và Quân đội Nhân dân” của Tướng Võ Nguyên Giáp là cuốn chỉ nam về nổi dậy của Việt Cộng, vài cuốn của lãnh tụ cộng sản Cuba là Ché Guevarra, và cả các cuốn sách về cái tốt của Mao Trạch Đông. Sau ngày gọi là “giải phóng”, người Cộng sản chiếm đóng đã “tạm thời” đình chỉ xuất bản mọi tờ báo hay tạp chí độc lập. Chưa đầy một tháng sau, mọi tiệm sách báo đều bị đóng cửa và việc mua bán hay tàng trữ các văn hoá phầm xuất hiện “dưới chế độ cũ!” đều bị cấm.
TÙ CHÍNH TRỊ
Một trong các vấn đề nặng nề nhất là những người chống Việt Nam thường nêu ra, là cái gọi là “chế độ phát xít” tại miền Nam đã giam giữ hơn 200 ngàn “từ chính trị”. Khi trở lại Đông Dương vào Tháng Năm 1974 – cũng là dịp thăm viếng Cam Bốt và Lào – tôi chú trọng đến việc điều tra những lời cáo giác trên.
Tôi ghé thăm Linh mục Chân Tín, nổi danh lãnh tụ của “lực lượng thứ ba” nhưng có lẽ là một cán bộ của Hà Nội. Tôi hỏi ông là tìm đâu ra con số “200 ngàn tù nhân chính trị?” Ông ta bảo rằng mình đã hỏi các tù nhân cũ và gia đình thân nhân của họ là họ nghĩ xem có bao nhiêu tù nhân. (Tôi nghi là họ đã cộng lại tổng số của các câu trả lời). Sự thật thì thời đó chỉ có khoảng 35 ngàn tù nhân trong tất cả các nhà tù của Miền Nam.
Robert Kennedy bị ám sát
Tôi cũng gặp một lãnh tụ khác của “lực lượng thứ ba” là bà Ngô Bá Thành, người nói với tôi rằng định nghĩa của bà về “tù nhân chính trị” có thể gồm cả những người như Sirhan. Sirhan là tay cán bộ người Palestine đã ám sát nghị sĩ Robert Kennedy vào tháng Sáu năm 1968. Mục đích của hắn, bà Ngô Bá Thành giải thích, là “chính trị” khi hắn ám sát một ứng cử viên Tổng thống rất nổi tiếng của Hoa Kỳ .
Rồi còn vụ “chuồng cọp” đầy tai tiếng tại Côn Sơn, được họ mô tả như sau: , "… xà lim chôn dưới mặt đất với các đống sắt, đồng trên trần thay vì ở dưới. Mà trần xây thấp đến nỗi tù nhân không thể đứng được …”
."… những hố nhỏ được đào dưới đất và che bằng chấn song sắt.”
– “[Mấy hầm đó] quá hẹp cho những người Việt Nam dù thấp bé cũng không thể nằm duỗi thẳng và trần quá thấp nên tù nhân khó có thể đứng thẳng người”. Thật ra, tôi có đến đảo Côn Sơn và thăm những chuồng cọp này. Tôi nghĩ rằng chúng ta cùng đồng ý là tôi hơi cao hơn đa số người Việt Nam. Vậy mà tôi chưa thể với tới các chấn song trên trần – vốn cao tới ba thước (khoảng 10 bộ) kể từ mặt đất lên.
Ngay cả lực sĩ Nghiêu Minh (Yao Minh) người Tầu – tay trung phong của đội bóng rổ Rocket’s ở Houston bên Texas – cũng chỉ cao tới bảy bộ và sáu phân – hơn hai thước hai – nên anh ta cũng chẳng gặp khó khăn gì đề duỗi dài trong căn xà lim một bề thước rưỡi một bề ba thước của cái gọi lả “chuồng cọp”.
Ít nhất, một số cán bộ chống Việt Nam đã từng cáo giác chuyện “chuồng cọp” biết là họ nói láo. Trước khi qua Việt Nam năm 1974, tôi nói với một người trong số này rằng tôi dự tính sẽ tới nhà tù Côn Sơn để tự minh xem tận mắt và anh ta có vẻ khó chịu – có lẽ biết rằng tôi sẽ thấy sự thật. Anh ta nói rằng vấn đề thật bây giờ chính là tại nhà tù Chí Hòa ở Sài Gòn.
Vì vậy sau khi thăm Côn Sơn, tôi xin phép vào xem nhà tù Chí Hòa và chưa đầy 48 tiếng sau đã được tới đó trong mấy tiếng đồng hồ. Đây không là nơi mà mình thích sống nhưng cũng chẳng tệ hơn đa số các nhà tù và bên trong tôi không thấy dấu vết gì của những sự lạm dụng phổ biến. Tôi nói riêng với vài người Mỹ đã từng ở trong này và họ nói rằng dù có nghe nhiều lời tố cáo nhưng tất cả đều cho biết là họ không hề nghe thấy “tiếng gào thét trong đêm vắng” hoặc được báo cáo về nạn tra tấn hay hành hạ tù nhân.
NGĂN CHẬN TÀN SÁT
Bi thảm nhất của những người chống Việt Nam là lý luận của họ, rằng cắt viện trợ cho Miền Nam là Hoa Kỳ sẽ “ngăn được nạn tàn sát”. Họ sai lầm tới chừng nào. Ông bạn Giáo sư R.J. Rummel của tôi (một người từng được tuyển liên tiếp cho giải Nobel Hòa Bình) ước lượng là tổng số người bị giết sau khi miền Nam được “giải phóng” lên tới 643 ngàn.
– Khoảng 100 ngàn bị xừ tử qua quít ngay sau khi Cộng sản nắm quyền. Qua quít vì cũng chẳng có một hình thức tạm bợ về “tiến trình hợp pháp” hay một toà án.
– Giáo sư Rummel cho là 400 ngàn là “thuyền nhân” bị chết ngoài biển cả khi muốn thoát khỏi chê độ độc tài và đàn áp đã trùm lên quê hương. Cao ủy Ty nạn của Liên hiệp quốc thì cho là một phần ba những người vượt biên bằng thuyền đã chết ngoài biển – một số là vì tầu quá đông người bị chìm, hoặc chết vì đói, vì khát. Nhiều người tử nạn sau khi bị hải tặc cướp bóc và cưỡng hiếp. Cao ủy cũng tường trình rằng có khoảng 840 ngàn người tới được Hong Kong hay các nước không Cộng sản ở Đông Nam Á. Nếu áp dụng tỷ số “chết một phần ba” cho con số này thì ta đoán là có một triệu 300 ngàn người vượt biên bằng thuyền và khoảng 420 ngàn người đã chết trên đường tìm tự do. Con số không xa với ước lượng của Giáo sư Rummel.
Giáo sư Lewia Sorley, tác giả cuốn sách có giá trị của một dấu mốc là “A Better War” – một Cuộc Chiến Khá Hơn – mà tôi ân cần giới thiệu đến quý vị, cho rằng có chừng 250 ngàn sĩ quan và binh lính của miền Nam cũ đã chết trong các “Trại Cải Tạo” do chế độ Cộng sản lập ra.
– Khoảng một triệu rưởi người dân miền Nam bị đày vào các khu “Kinh Tế Mới” để sống trong những điều kiện nghiệt ngã và chừng 48 ngàn đã chết tại đấy. Tôi biết rằng rất đông người trong cộng đồng này có thể kể lại những kinh nghiệm thật về “Trại Cải Tạo” và khu “Kinh Tế Mới” và khuyên các sinh viên ở đây nên tìm ra họ, ghi nhận câu chuyện của họ để làm chứng liệu cho lịch sử.
CĂM BỐT
Và còn chuyện xứ Căm Bốt nữa. Khi Tổng thống Nixon gửi quân đội Hoa Kỳ sang Cam Bốt vào năm 1970 đề yêm trợ các đơn vị Việt Nam Cộng Hòa, khuôn viên các Đại học Mỹ bị đóng vì những cuộc phản đối đầy bạo động chống lại vụ xâm lược “phi pháp”. Thật ra, về pháp lý thì y như Việt Nam, Căm Bốt là “quốc gia thành viên của Nghị định thư” – Protocole States – đã được cam kết bảo vệ chống Cộng sản xâm lăng trong khuôn khổ Hiệp ước SEATO năm 1954. Mười năm sau, và với tỷ lệ đầu phiếu là 99,6%, khi Quốc hội Hoa Kỳ cho phép Tổng thống Johnson tham chiến tại Đông Dương. quy chế ấy hoàn toàn có thể áp dụng cho Căm Bốt như cho Việt Nam và Lào. Nghị quyết ấy của Quốc hội chỉ cần dẫn chiếu “Protocole States” của hiệp ước SEATO (South East Asia Treaty Organization). Tôi thăm viếng Căm Bốt nhiều lần trong năm 1974 và trong nhiều năm đã viết về Khờme Đỏ.
Thời ấy, việc họ là những kẻ sắt máu có dự tính tàn sát không tưởng tượng nỗi với đồng bào Khờme của họ thật ra chẳng còn là bí mật. Và dĩ nhiên, khi tôi trở lại Việt Nam vào Tháng Tư năm 1975, một trong những mục tiêu chính của tôi là đễ cố gắng cứu lấy đám trẻ cô nhi tại Căm Bốt. Tôi đến quá trễ và có lẽ những đứa trẻ tôi hy vọng cứu được chắc là đã chết.
Không hề có một cuộc khảo sát dân số tại Căm Bốt và chẳng ai biết thực sự có bao nhiêu người đã sống tại nơi ấy. Con số ước đoán về nạn nhân có những dị biệt lớn, với một số chuyên gia thì cho lả có hơn hai triệu. Tài liệu khảo cứu khá nhất mà tôi được đọc là của Đại học Yale, nơi mà Chương trình của Yale về nạn Diệt chủng Căm Bốt ước tính là Pol Pot và bọn đao phủ của hắn đã thảm sát một triệu bảy trăm ngàn người – hơn 20% dân số toàn quốc.
Một bài báo về “các vùng thảm sát” của Căm Bốt trên tạp chí National Geographic Today trong số tháng Giêng năm 2004 cho chúng ta những chi tiết này: “Nhân viên hướng dẫn giải thích rằng đạn quá quý để dùng cho việc tàn sát. Rìu, dao và gậy tre thật đắc dụng hơn. Còn về trẻ em thì bọn đồ tể chỉ đơn giản quật chúng vào thân cây”.
Ông Douglas Pike đã quá vãng, người mà tôi hoán đỗi công vụ nhiều lần trong Sứ quán Hoa Kỳ, có viết như sau về hậu quả nhân sinh của việc Hoa Kỳ bội ước sự cam kết của mình là sẽ bảo vệ người dân của các nước không cộng sản ở Đông Dương: “Dù có ước lượng dè dặt nhất, thường dân Đông Dương bi bạo sát sau Chiến tranh Việt Nam nhiều hơn là tổng số nạn nhân chết trong thời chiến, ít ra là hơn hai triệu… Nỗi khổ đau lên tới mức chưa từng thấy, còn thê thảm hơn những ngày chinh chiến”.
Thật bi đát vì tôi nghĩ rằng ông Pike có lý. Và tôi lại càng tin rằng cộng đồng tại đây, đôi khi ngay trong hội trường, có những người có thể cung cấp những dữ kiện trực kiến về thảm kịch nếu như ta muốn tìm đến họ và ghi nhận lời chứng của họ. Việc này thì chẳng ai có tâm trí bình thường lại thích làm, nhưng là điều mà những ai muốn truy lùng sự thật tới cùng vẫn có nhiệm vụ thực hiện. Chúng ta phải kể lại chuyện này – một cách chính xác và cẩn trọng – để người khác sẽ biết rất lâu về sau, khi các nhân chứng cuối cùng không còn tại thế nữa. Chúng ta phải kể lại, nếu không chuyện đó sẽ lại tái diễn.
Những ai thấy bàng hoàng về những chuyện đã xảy ra khi Cộng sản khống chế người dân Miền Nam và của Căm Bốt hay Lào thật ra không hiểu gì về lịch sử hiện đại. Nếu quý vị muốn biết rõ hơn về thảm kịch, tôi xin đề nghị tập sách do nhà Harvard University Press xuất bản có tên là “The Black Book of Communism” – Cuốn Hắc thư về Chủ nghĩa Cộng sản. Do một nhóm trí thức Âu Châu thuộc khuynh hướng trung tả biên soạn, cuốn sách kết luận là trong thế kỷ 20, chủ nghĩa cộng sản quốc tế đã gây ra cái chết cho từ 80 đến 100 triệu sinh linh.
Những ai muốn biết sâu xa hơn về Chiến tranh Việt Nam có thể còn bị lầm lạc lớn nếu không chịu khó tìm đọc các cuốn sách do chư vị diễn giả nơi đây hoặc bằng hữu của chúng tôi đã biên soạn.
Đây là một vinh dự cho tôi khi được thuyết trình trước một cử toạ quan trọng như hôm nay và trong cơ hội long trọng này. Với những người giận dữ về sự bội phản của nước tôi 35 năm về trước, xin cho tôi được nói rằng sự giận dữ này cũng là sự giận dữ của bản thận tôi. Tôi yêu quý Hoa Kỳ và tin rằng đây là một xứ tuyệt vời nhất trên địa cầu. Nhưng khi đa số của Quốc hội phản bội nạn nhân của Cộng sản xâm lược, họ cũng phản bội 58 ngàn 200 lính Bộ binh, Hải quân và Thủy quân Lục chiến Hoa Kỳ đã dâng hiến mạng sống trong sự hy sinh cao quý nhất cho chính nghĩa này. Họ cũng phản bội sự hy sinh của hai triệu bảy trăm ngàn người Mỹ đã từng phục vụ tại Việt Nam từ năm 1959 cho đến 1975.
Chúng ta không cải sửa được điều ác đã xảy ra. Nhưng chúng ta có thể nghiên cứu nó và có thể hành động để người Mỹ chúng ta lánh xa truyện thần thoại sai lạc mà hiểu rõ thảm kịch lớn lao của sự bội tín. Tôi thiết tha kêu gọi giới trẻ trong cử toạ nơi đây là hãy tự nguyện giành một chút cố gắng để học hỏi trang sử này và chịa sẻ với người khác. Quan trọng nhất, hãy chú ý đến các cựu chiến binh và những người sống sót trong cộng đồng, hãy ghi lại lời kể của họ khi mình còn cơ hội. Nếu mình làm được như vậy thì may ra những hy sinh lớn lao của thảm kịch bi đát này sẽ không bị uổng phí.
Xin cảm tạ quý vị và cầu xin Thượng Đế sẽ phù hộ chúng ta ./

Thursday, August 17, 2017

SỰ TỒN TẠI CỦA VIỆT NAM CỘNG HÒA

Tác giả: Thẩm phán Phạm Đình Hưng Posted on: 2017-08-16

Chánh thể và Quốc gia
Trong thời gian lưu vong ở hải ngoại, một số ít người Việt tị nạn cộng sản đã đơn giản nghĩ rằng Việt Nam Cộng Hòa đã chết sau ngày các sư đoàn của Bắc Việt cộng sản (nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa) đánh chiếm một quốc gia láng giềng là miền Nam Việt Nam, quốc hiệu Việt Nam Cộng Hòa. Họ muốn nói đến chánh thể Cộng Hòa (Republic) của miền Nam Việt Nam đã bị kẻ xâm lăng Bắc Việt, môt nước cộng sản ở trên vĩ tuyến 17, xóa bỏ và thay thế bằng một chế độ độc tài toàn trị do đảng Cộng Sản lãnh đạo từ 42 năm nay. Họ đã không phân biệt chánh thể (political regime) với quốc gia (state).
Về mặt địa lý, Việt Nam Cộng Hòa là miền Nam Việt Nam có lãnh thổ trải dài từ mũi Cà Mau đến vĩ tuyến 17 (sông Bến Hải). Về mặt chánh trị, Việt Nam Cộng Hòa là một quốc gia độc lập đã được quốc tế công pháp minh thị công nhận: Hiệp định Genève ký kết ngày 20-7-1954 và Hiệp định Paris ký kết ngày 27-1-1973 trước sự chứng kiến của Tổng Thơ Ký Liên Hiệp Quốc Kurt Josef Waldheim, môt nhà ngoại giao của nước Áo. Đến ngày nay, không có quốc gia nào đã ký kết hai hiệp định nầy, kể cả nước Việt Nam cộng sản, cáo bải (revoke) hiệp ước. Thời gian không làm mất hiệu lực của các hiệp ước, hiệp định và công ước quốc tế. Ngoài ra, Việt Nam Cộng Hòa còn là Quan sát viên thường trực Liên Hiệp Quốc, thành viên của một số Tổ chức Quốc tế và có quan hệ ngoại giao với trên 50 quốc gia trong Thế Giới Tự Do (Free World). Sự xâm lăng, chiếm đóng và thôn tính miền Nam Việt Nam của quân đội nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (Bắc Việt cộng sản) không thể tước bỏ quyền độc lập tự chủ của một nước láng giềng. Trong hoàn cảnh của một nước nhỏ bị xâm lăng và chiếm đóng bằng bạo lực của súng đạn cộng sản, Việt Nam Cộng Hòa tức  Nam Việt Nam sẽ tiếp tục mất độc lập và chủ quyền sau khi toàn bộ đất nước Việt Nam từ Bắc chí Nam, trên đất liền và ngoài Biển Đông (South China Sea), bị sát nhập vào Trung Quốc năm 2020 căn cứ theo mật ước Thành Đô do hai đảng Cộng sản và Nhà nước Trung Quốc và Việt Nam lén lút ký kết năm 1990 để biến cải nước Việt Nam thành một phần lãnh thổ của nước Tàu. Hai cuộc Chiến Tranh Đông Dương do đảng Cộng Sản Việt Nam gây ra dưới sự chỉ đạo của Thiếu tá Tình báo Tàu Hồ Quang đã có hậu quả hạ thấp cương vị của quốc gia Việt Nam từ một nước độc lập trở thành một tỉnh cũa Trung Quốc, một khu Tự trị như khu Tự Trị của dân tộc Choang trong tỉnh Quảng Tây hoặc môt quận trực thuộc tỉnh Quảng Đông
Mất độc lập và chủ quyển từ ngày 30-4-1975, Việt Nam Cộng Hòa hiện nay vẫn là một thực thể chánh trị (political entity) cỏn hiện hữu ở trong nước Việt Nam, tại Đông Nam Á và trên thế giới mặc dầu đã bị một quốc gia khác (Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa) xâm lăng, thôn tính và đô hộ. Nói tóm lại, Việt Nam Cộng Hòa, nạn nhân của một cuộc xâm lăng do người đồng chủng chủ động theo chỉ thị của Nga-Hoa trong cuộc Chiến Tranh Lạnh (1948-1989), chỉ mất độc lập và chủ quyền nhưng vẫn còn tồn tại trên bình diện quốc tế công pháp và trong thực tại ngày nay. Khi cần, tôi sẽ đưa ra các dẫn chứng và chi tiết để hậu thuẫn quan niệm của tôi.

Thành lập thể chế Cộng Hòa
Tại miền Nam Việt Nam bao gồm Nam Phần (thủ đô Sài Gòn và 21 tỉnh) và Trung Phần (các tỉnh duyên hải và trên cao nguyên), thể chế  Cộng Hòa đã được thiết lập lần đầu tiên từ năm 1955 dưới thời cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm, người khai sáng nền Đệ Nhứr Cộng Hòa xây dựng trên cơ sở Hiến pháp ngày 26-10-1956 do Quốc Hội Lập Hiến dân cử soạn thảo và biểu quyết. Trong khi quốc sách Ấp Chiến Lược và Khu Trù Mật đang ngăn chận hữu hiệu sự xâm nhập ban đêm của cán binh cộng sản vào các thôn xóm hẽo lánh, cuộc đảo chánh ngày 1-11-1963 đã giựt sập nền Đệ Nhứt Cộng Hòa và giết hại Tổng Thống Ngô Đình Diệm cùng bào đệ Ngô Đình Nhu, một chiến lược gia có kiến thức uyên bác. Sau gần 3 năm xáo trộn chánh trị, nền Đệ Nhị Cộng Hòa đã được thành lập trên cơ sở Hiến pháp ngày 1-4-1967 do Quốc Hội Lập Hiến bầu cử ngày 11-9-1966 soạn thảo và chung quyết. Tôi đã được vinh dự tham gia công tác đúc kết và thuyết trình trước Quốc hội khoáng đại để 117 Dân biểu thảo luận và biểu quyết trong tinh thần hoàn toàn tự do. Một hiến pháp tôn trọng nguyên tắc quân bình và kiểm soát hỗ tương giữa ba cơ quan Hành pháp, Lập pháp và Tư pháp đã được ban hành trong tình trạng chiến tranh để đảm bảo nhân quyền và các quyền tự do dân chủ của nhân dân miền Nam Việt Nam. Ngoài ra, Hiến pháp còn thành lập Giám Sát Viện, một định chế đặc biệt độc lập có thẩm quyền bài trừ tham nhũng, thẩm tra kế toán của tất cả các cơ quan công quyền và kiểm kê tài sản của tất cả viên chức, kể cả Tổng Thống.

Nhằm mục đích thuộc địa hóa miền Nam Việt Nam vô cùng trù phú, sự xâm lược của Bắc Việt cộng sản đã có hậu quả cướp đoạt tài sản dồi dào của nhân dân miền Nam, đình chỉ thi hành Hiến pháp Đệ Nhị Cộng Hòa, chấm dứt hoạt động của Nhà nước, Quân lực và các cơ chế hiến định, hủy bỏ tất cả các quyền tư do dân chủ, gián đoạn công vụ của toàn thể quân, cán, chánh Việt Nam Cộng Hòa. Sự cưỡng chiếm miền Nam của 13 sư đoàn công sản Bắc Việt đã xóa bỏ thể chế Cộng Hòa của một quốc gia bị chiếm đóng. Từ ngày thất thủ do thiếu hụt phương tiện chiến tranh, miền Nam Việt Nam không còn là một quốc gia độc lập sau khi bị cưỡng bách sát nhập vào nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam, hậu thân của Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (Bắc Việt cộng sản), dưới ngụy danh “thống nhứt” đất nước Việt Nam. Từ ngày 30-4-1975, dưới bạo lực của lưỡi lê và súng đạn, một chánh thể tự do dân chủ với tam quyền phân lập tại miền Nam Việt Nam đã bị thay thế bởi một chế độ độc tài công an trị tập trung mọi quyền bính vào trong tay của đảng Cộng sản Việt Nam, tay sai của Trung Quốc và đệ tử của Liên Xô.
Việt Nam Cộng Hòa còn tồn tại hay không?
Bất chấp quốc tế công pháp, nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (Bắc Việt cộng sản) đã cố tình vi phạm hai Hiệp định Genève 1954 và Paris 1973 khi công khai xua quân vượt vĩ tuyến 17 đánh chiếm Việt Nam Cộng Hòa, một nước độc lập và có chủ quyền. Khinh thường dư luận quốc tế, Bắc Việt cộng sản năm 1975 đã gấp rút đặt cả thế giới trước chuyện đã rồi (fait accompli) khi vận dụng tất cả sư đoàn vượt khu phi quân sự (DMZ) đánh chiếm toàn bộ miền Nam Việt Nam. Trong quan hệ quốc tế, Đảng và Nhà nước cộng sản Việt Nam không bao giờ tôn trọng các hiệp ước, hiệp định, hợp đồng đã ký kết và các định ước, công ước quốc tế đã gia nhập. Mới đây, ngày 23-7-2017, nước Việt Nam cộng sản lại dám sai mật vụ đến nước Đức bắt cóc tại Berlin cán bộ cộng sản Trịnh Xuân Thanh đang tại đào và xin tị nạn chánh trị tại nước nầy. Hành động phi pháp trắng trợn của mật vụ cộng sản Việt Nam tại nước Đức đã tố cáo quán tính khinh thường luật pháp quốc tế của Đảng và Nhà nước cộng sản Việt Nam mặc dầu nước nầy đã tham gia Liên Hiệp Quốc, các tổ chức quốc tế và công ước quốc tế.
42 năm đã trôi qua từ ngày Bắc Việt cộng sản đánh chiếm miền Nam tự do. Mặc dầu đã tiếp thâu được nhiều thông tin chính xác từ các mạng xã hội (social media), một số người tị nạn cộng sản tại hải ngoại vẫn phụ họa theo luận điệu tuyên truyền của Cộng sản Việt Nam: Việt Nam Cộng Hòa đã bị khai tử sau khi Quân lực miền Nam Việt Nam sụp đổ trước sự tấn công của quân xâm lăng cộng sản Bắc Việt. Họ còn nông cạn nghĩ rằng sự đầu hàng của Đại tướng Dương văn Minh, Tổng Thống bất hợp hiến do Quốc Hội hấp tấp đưa lên trong ba ngày cuối cùng (từ 28-4 đến 30-4-1975) đã chánh thức xóa bỏ Việt Nam Cộng Hòa, một quốc gia độc lập đã được Hiệp định Genève 1954 minh thị công nhận và là một trong 12 nước đã ký kết Hiệp định Paris 1973 trước sự chứng kiến của Tổng Thơ Ký Liên Hiệp Quốc. Lập luận của họ hoàn toàn sai trái về cả hai mặt pháp lý và thực tại.
Trong phạm vi hạn hẹp của bài viết nầy, tôi muốn căn cứ vào lịch sử của một số nước ở Âu châu đã có hoàn cảnh giống như miền Nam Việt Nam để khẳng định Việt Nam Cộng Hòa vẫn còn tồn tại và sẽ có nhiều triển vọng thâu hồi quyền độc lập tự chủ trong tương lai không xa.

Lịch sử của một số nước Âu châu đã bị xâm lăng và mất độc lập
  1. Nước Ba Lan (Poland, Pologne)
Thành lập trong thế kỷ 10 do Đại Công tước (Grand Duc) Mieszko, Ba Lan là một nước nhỏ ở Đông Âu đã bị 3 Vương quốc lớn bao quanh (Nga, Phổ và Áo) qua phân lãnh thổ năm 1795và mất độc lập trong một thời gian dài trên một thế kỷ. Tuy nhiên, nước Ba Lan không mất mà vẫn tồn tại nhờ dân tộc Ba Lan có lòng yêu nước mãnh liệt và tinh thần kiên trì hy sinh tranh đấu để khôi phục độc lập của Ba Lan.
Sau Thế Chiến I, nước Ba Lan độc lập hồi sinh năm 1918. Nhưng đến năm 1939, hai cường quốc láng giềng (Đức và Liên Xô) lại xâm lăng nước Ba Lan để phân chia lãnh thổ của nước nầy. Dân tộc Ba Lan đã dũng cảm tiếp tục tranh đấu chống ngoại xâm và đã phải hy sinh rất nhiều cho độc lập tự chủ của nước nhà.
Sau Thế Chìến II, nước Ba Lan thâu hồi độc lấp và tồn tại đến ngày nay. Ba Lan là một thành viên của Ủy Hội Kiểm Soát Đình Chiến tại Việt Nam từ năm 1954.

  1. Nưc Áo (Austria, Autriche)
Thành lập năm 996 từ lãnh địa Bavaria, một tiểu bang lớn của nước Cộng Hòa Liên Bang Đức ngày nay (có thủ phủ là thành phố Munich), nước Áo là một đế quốc hùng mạnh vào bực nhứt ở Âu châu đã giao chiến với Hoàng đế Pháp Napoléon Bonaparte. Đế quốc Áo-Hung (Austro-Hungarian Empire) đặt dưới quyền cai trị lâu dài của Hoàng tộc Habsbourg.
Sau Thế Chiên I, đế quốc Áo-Hung tan rã và trở thành một nước Cộng Hòa (Austrian Republic) từ 1918 đến 1933. Năm 1938, Quốc trưởng của nước Đức Adolf Hitler, một người sanh tại nước Áo, sát nhập nước của mình vào nước Đức.
Sau Thế Chiến II, nước Áo tranh thủ độc lập năm 1955 và thành lập nền Đệ nhị Cộng Hòa.
Cả hai nước Đức và Áo đều nói tiếng Đức. Nhưng dân tộc Áo vẫn muốn có một nước nhỏ độc lập tự chủ tách rời khỏi nước Cộng Hòa Liên Bang Đức, một nước lớn hùng mạnh.
  1. Estonia, Latvia và Lithuania là ba nưc rt nh vùnh bin Baltic, giáp
ranh với nước khổng lồ Nga.
Sau Thế Chiến I, Estonia, Latvia và Lithuania được độc lập đối với hai nước lớn Nga và Đức. Nhưng năm 1940, thi hành hiệp ước Molotov-Ribbentrop ký kết với nước Đức sau khi Thế Chiến II bùng nổ năm 1939, Liên Xô thôn tính ngay 3 nước láng giềng Estonia, Latvia và Lithuania. Mất độc lập, 3 nước nhỏ nầy bị sát nhập vào lãnh thổ Liên Xô từ năm 1940. Mãi đến năm 1991, sau sự sụp đổ của đế quốc cộng sản Liên Xô, 3 nước Estonia, Latvia và Lithuania mới thâu hồi độc lập, gia nhập Liên Âu (European Union) và Minh Ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) để được bảo vệ chống lại sự xâm lấn của nước Nga.

Kết luận
Các nước Ba Lan, Áo, Estonia, Latvia và Lithuania là những nước nhỏ thâu hồi được độc lập tự chủ nhờ lòng yêu nước và tinh thần kiên trì tranh đấu của nhân dân các nước nầy cho độc lập của quê hương xứ sở.
Nhân dân miền Nam Việt Nam cần phải noi theo gương sáng của nhân dân các nước nhỏ kể trên ở Âu châu để thâu hồi độc lập và tái lập chánh thể Cộng Hòa. Sau 42 năm thống trị bạo tàn và tham nhũng bóc lột của đảng Cộng Sản, đại bộ phận quần chúng nhân dân Việt Nam từ Nam chí Bắc đã nhận thấy chánh thể Cộng Hòa có nhiều ưu điểm hơn chế độ độc tài toàn trị của đảng Cộng Sản. Vì vậy, nhân dân Việt Nam cần phải quyết tâm giải thề chế cộng sản để tránh khỏi đại họa Bắc thuộc lần thứ 5. Muốn ngăn chận âm mưu sát nhập nước Việt Nam vào Trung Quốc năm 2020, cần phải nhanh chóng thi hành Hiệp định Paris 1973. Đó là một giải pháp pháp lý khả thi trong hiện tình đất nước Việt Nam.

California, ngày 15-8-2017
Thẩm phán Phạm Đình Hưng